Nông nghiệp công nghệ cao – Cơ hội và thách thức

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp sẽ hạn chế được sự lãng phí về tài nguyên đất, nước (do tính vượt trội của các công nghệ như: công nghệ sinh học, công nghệ gen, công nghệ sản xuất phân hữu cơ và tự động hóa sản xuất), tiết kiệm chi phí và tăng năng suất cây trồng vật nuôi…trong 10 năm tới, nông nghiệp Việt Nam sẽ nằm trong top 15 nước phát triển nhất thế giới.

Được sự bảo trợ của Bộ Khoa học & Công nghệ, tại Khách sạn Tân Sơn Nhất vào ngày 10/10 vừa qua, Viện Ứng dụng Công nghệ đã phối hợp cùng Cherry Media đồng tổ chức Hội thảo Quốc tế về Ứng dụng Công nghệ cao trong Nông nghiệp tại Việt Nam. Đây là một trong những Hội thảo khoa học trọng điểm nằm trong chương trình nghị sự của Chính phủ mang tầm quốc tế về nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam.

Hội thảo được diễn ra dưới sự chủ trì của: GS.TS Lê Hùng Lân – Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ (Bộ Khoa học & Công nghệ), Tiến sĩ Đoàn Duy Khương – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam (Bộ Khoa học & Công nghệ) Nguyễn Mạnh Cường.


Các Đại biểu tham dự Hội thảo

Hội thảo còn có sự hiện diện của các đồng chí lãnh đạo các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long: Chủ tịch UBND Tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Bình Thuận Nguyễn Đức Hòa và Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Lâm Đồng Phạm S. Giáo sư Võ Tòng Xuân – Nhà Nông học hàng đầu Việt Nam, Giáo sư Phan Văn Trường – Cố vấn Thường trực của Chính phủ Pháp về Thương mại Quốc tế, Chủ tịch CLB Khởi nghiệp Nông nghiệp Việt Nam cùng các Chuyên gia, tổ chức khoa học nước ngoài và gần 50 Doanh nghiệp tiêu biểu về nông nghiệp công nghệ cao trong và ngoài nước.

Trong khuôn khổ hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp trong và ngoài nước về lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao sẽ trình bày các báo cáo và chia sẻ về những nội dung: Nông nghiệp chính xác, truy xuất nguồn gốc và kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm; quản lý và phát triển sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị; xử lý môi trường và tái sử dụng chất thải trong nông nghiệp; vật liệu nano trong nông nghiệp, chế biến và bảo quản sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch…

Mở đầu Hội thảo, trong bài tham luận có tiêu đề: “Nông dân Việt Nam đang đứng đâu trên thang lên đến nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp 4.0”, Giáo sư Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp đã diễn ra ở nhiều địa phương trong thời gian vài năm trở lại đây, đã có đông đảo nông dân ứng dụng công nghệ 4.0 trong việc sử dụng nhà màng, nhà kính để điều khiển khí hậu thích hợp, điển hình như mô hình nông nghiệp thông minh ở Đà Lạt không thua kém gì các nước có nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới.

Nhà Nông học hàng đầu Việt Nam nhận định: “Tại Đồng bằng Sông Cửu Long, nông nghiệp 4.0 chưa được áp dụng nhiều, một trong những trở ngại đang khiến các nhà khoa học đau đầu đó là việc ngày càng xuất hiện các loại côn trùng mới trong nhà màng và nhà kính mà hiện nay chưa có giải pháp nào có thể ngăn ngừa được”.

Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ 4.0 vào nông nghiệp đòi hỏi cần phải có một đội ngũ kỹ thuật nắm bắt được IoT (Internet cho vạn vật) và Big Data (Dữ liệu lớn) cùng với rất nhiều kinh phí để thay thế cho nguồn nhân lực lao động bằng chân tay của người nông dân như trước đây. Khi nông dân Việt Nam sử dụng các chế phẩm sinh học để thay thế phân bón hóa học, ngăn ngừa sự ô nhiễm nguồn nước và đất trồng cũng như đảm bảo chất lượng nông sản thì công nghệ cao này có thể gọi là nông nghiệp 4.0 Việt Nam. Ngành lúa gạo Thái Lan gần đây cũng đang hướng dẫn nông dân của mình giảm bớt chi phí sản xuất cây lúa bằng biện pháp tương tự và gọi đó là ứng dụng nông nghiệp 4.0.

Theo tiến sĩ Đoàn Duy Khương, trong thời gian tới, đa số nông dân Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trên con đường đi đến nền nông nghiệp 4.0 hay còn gọi là nông nghiệp thông minh hay nông nghiệp chính xác. Để khắc phục tình trạng này, ông khuyên người nông dân không nên chạy theo nông nghiệp 4.0 đúng nghĩa quốc tế – vừa tốn kém lại vừa không áp dụng được rộng rãi vì nền khoa học kĩ thuật của họ rất phát triển, khả năng sử dụng các thiết bị điện tử thông minh của họ rất cao cũng như môi trường canh tác của họ không quá bị ô nhiễm hay cằn cỗi như Việt Nam. Thay vào đó, ông mong muốn người nông dân Việt Nam phải hiểu và biết rõ mình đang đứng đâu trên nấc thang lên đến nông nghiệp 4.0 theo chuẩn quốc tế để từ đó đưa ra các giải pháp nâng cao năng lực sản xuất và trình độ tổ chức, quản lý cũng như cải tiến chất lượng nông sản. Đây chính là những đòi hỏi tất yếu trong đảm bảo hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay.

Với những ưu điểm đó, ứng dụng công nghệ cao là giải pháp tất yếu cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay các nông hộ, hợp tác xã còn bỡ ngỡ với công nghệ cao, ngại thay đổi phương thức sản xuất truyền thống. Chủ trương ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp chủ yếu vẫn nằm ở khâu chính sách của chính phủ và kế hoạch của doanh nghiệp, còn khâu sản xuất của người nông dân hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn.

Theo Ban Tổ chức, hội thảo lần này chính là nơi hội tụ và kết nối nhằm mang đến sự gắn kết giữa nhu cầu thực tiễn về đổi mới sản xuất với các công nghệ tiên tiến hiện nay. Đây cũng chính là nơi chia sẻ và hướng dẫn áp dụng quy trình, công nghệ đơn giản, linh hoạt, để giúp các đơn vị nông nghiệp nhanh thích ứng với nền nông nghiệp công nghệ cao của thế giới đang phát triển ngày càng nhanh chóng. Sự kiện là nơi quy tụ các đối tác khác nhau trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Từ đó, xây dựng các mối liên kết, hợp tác các nhóm đối tác tiềm năng, phát triển được các mô hình sản xuất hiện đại trong nông nghiệp tại Việt Nam.

Theo chiến lược phát triển nông nghiệp của Chính phủ Việt Nam, trong 10 năm tới, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ đứng trong top 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó ngành chế biến nông sản lọt vào top 10 nước hàng đầu thế giới. Đó là nhận định của Tiến sĩ Đoàn Duy Khương – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sau phần trình bày của Giáo sư Võ Tòng Xuân.

Theo Tiến sĩ Đoàn Duy Khương, nông nghiệp 4.0 ở Việt Nam hiện nay có nhiều triển vọng nhưng vẫn còn nhiều hạn chế như tỷ lệ ứng dụng khoa học công nghệ và áp dụng tiêu chuẩn chất lượng quốc tế của ngành nông nghiệp còn khá thấp.

Mặc dù chưa đầy 5% số doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản được cấp chứng nhận VietGap và GlobalGap, Phó Chủ tịch VCCI vẫn tin tưởng Việt Nam còn nhiều cơ hội để xây dựng nền nông nghiệp thông minh với gần 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. “Việc ứng dụng công nghệ thông minh vào nông nghiệp để tác động vào những phân khúc giá trị gia tăng sản phẩm ở Việt Nam cũng có rất nhiều tiềm năng”. Dưới góc độ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tiến sĩ Đoàn Duy Khương đưa ra câu hỏi phải làm thế nào để nông sản Việt Nam tiếp cận với các thị trường quốc tế nhiều tiềm năng như Hoa Kỳ, Úc và Châu Âu thay thế cho các thị trường truyền thống như Trung Quốc.

Những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đã có những bước tiến bộ nhảy vọt về chất lượng, mang lại nhiều thành công cho bà con nông dân cũng như các doanh nghiệp tham gia đầu tư và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, trên thực tế sự tăng trưởng của nông nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn theo chiều rộng như tăng diện tích, tăng vụ. Còn việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến dựa trên số hóa, tự động hóa và kết nối tạo ra các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh vẫn còn nhiều hạn chế.

Tọa đàm thân mật vào buổi trưa giữa chủ tọa và các lãnh đạo địa phương

Kết luận hội thảo, Giáo sư Lê Hùng Lân – Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ (Bộ Khoa học & Công nghệ) nhận định: Vấn đề đưa công nghệ cao vào ứng dụng trong thực tế sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam không phải là bài toán đơn giản. Bên cạnh những giải pháp đồng bộ từ phía Nhà nước thì cần phải có sự ủng hộ đồng hành không chỉ từ phía các nhà khoa học mà quan trọng nhất là sự hưởng ứng nhiệt thành từ phía người nông dân để tìm ra các phương thức ứng dụng kết quả công nghệ vào trong thực tế sản xuất. “Khi làm việc với các doanh nghiệp và bà con nông dân, bên cạnh việc thấu hiểu được nhu cầu của người sản xuất từ đó xây dựng được những bài toán để bà con ứng dụng khảo nghiệm trong một thời gian đánh giá công nghệ mà chúng tôi đề xuất và giúp chúng tôi hoàn thiện những công nghệ. Trên cơ sở đó, chúng tôi cùng nhau xây dựng những mô hình giúp cho bà con nông dân ứng dụng công nghệ mới một cách bền vững. Đó mới là mục tiêu ứng dụng cuối cùng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam”.

Minh Đường