Nỗ lực hoàn thành mục tiêu tăng trưởng, lạm phát và ổn định vĩ mô – Nhiều thách thức đặt ra cho nữa cuối năm 2019…

Nền kinh tế Việt Nam đã đi qua nửa chặng đường năm 2019 với nhiều “điểm sáng” như: tăng trưởng GDP ở mức cao, lạm phát được kiểm soát, giải ngân FDI tốt, môi trường kinh doanh cải thiện rõ rệt, các cân đối vĩ mô đảm bảo…. Tuy nhiên bên cạnh kết quả tích cực đạt được, vẫn còn không ít khó khăn, thách thức phải đối mặt, nhiều “điểm nghẽn” cần tháo gỡ từ đây cho đến cuối năm.

Theo Báo cáo nghiên cứu về kinh tế vĩ mô Việt Nam nửa cuối năm 2019 vừa được TS.Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV công bố, kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm có 6 điểm sáng. Đầu tiên, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,76% (thấp hơn 7,05% của cùng kỳ năm 2018, song vẫn cao hơn mức tăng cùng kỳ của 10 năm từ 2008-2017); với mức tăng trưởng 6,76%, Việt Nam vẫn là nước có tăng trưởng cao so với các nước trong khu vực. Thứ hai, lạm phát được kiểm soát ; CPI bình quân tăng 2,64% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 3,29% của cùng kỳ năm 2018. Thứ ba, giải ngân vốn FDI tăng trưởng tốt: đạt 9,1 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ 2018. Thứ tư, môi trường kinh doanh có sự cải thiện rõ nét hơn, Việt Nam cũng được Fitch và S&P nâng hạng tín nhiệm trong tháng 4 và tháng 5/2019. Thứ năm, các cân đối lớn và ổn định vĩ mô được đảm bảo trong bối cảnh thị trường quốc tế nhiều biến động, thể hiện ở: cân đối thu-chi ngân sách diễn biến tích cực hơn, thu hẹp mức thâm hụt ngân sách; lãi suất huy động tăng nhẹ, nợ xấu tiếp tục giảm; tỷ giá tương đối ổn định; dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng….Thứ sáu, tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước đạt kết quả rất tích cực với Hiệp định CPTPP hiệu lực từ 14/1/2019, Hiệp định EVFTA và IPA với EU được ký kết (dự kiến hiệu lực từ đầu 2020); Việt Nam trúng cử ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, hướng tới vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo cũng đồng thời cho thấy tình hình kinh tế-xã hội trong 6 tháng đầu năm và từ nay đến hết năm 2019 sẽ đối mặt với 6 khó khăn, thách thức chính. Đầu tiên là 3 rủi ro, thách thức từ bên ngoài gồm: căng thẳng thương mại giữa các nước lớn (nhất là Mỹ-Trung) vẫn diễn biến phức tạp, khó lường; từ rủi ro chính sách nêu trên, cùng với niềm tin đầu tư, tiêu dùng giảm, dẫn đến sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới và các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, khu vực châu Âu; rủi ro địa chính trị diễn biến khó lường, khiến giá dầu, giá vàng biến động. Thứ hai, các động lực tăng trưởng chính đang có dấu hiệu chậm lại. Thứ ba, áp lực lạm phát gia tăng vẫn lớn. Thứ tư, xuất khẩu tăng trưởng chậm lại. Thứ năm, giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA tiếp tục là điểm nghẽn và tái cơ cấu DNNN rất chậm. Thứ sáu, Việt Nam đã bị đưa vào danh sách theo dõi về thao túng tiền tệ (vì Việt Nam đã chạm 2/3 ngưỡng) xuất phát từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.

Nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng, lạm phát cùng với ổn định vĩ mô, theo TS. Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia của Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV, nhiệm vụ còn lại trong nửa cuối năm 2019 là rất nặng nề, đòi hỏi thực hiện đồng bộ, quyết liệt 4 nhóm giải pháp. Cụ thể đối với mục tiêu tăng trưởng GDP, để GDP cả năm tăng 6,8%, GDP quý 3 và 4 phải tăng ít nhất 6,7% và 6,9%, tương đương GDP 9 tháng tăng khoảng 6,74% (mức tăng 9 tháng 2018 là 6,98%); trong đó, các ngành dịch vụ và nông, lâm, thủy sản cần có mức tăng trưởng cao hơn, nhất là khi ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nhiều khả năng không thể duy trì mức đóng góp tích cực liên tục trong thời gian dài.

Đối với chỉ tiêu lạm phát, mặc dù mức tăng của CPI tương đối thấp trong 6 tháng đầu năm, song từ nay đến hết năm 2019, lạm phát vẫn chịu nhiều áp lực tăng do các yếu tố như đã nêu trên. Theo đó, cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, giá cả và chính sách tiền tệ, giãn lộ trình tăng giá các dịch vụ do Nhà nước quản lý một cách hợp lý, không tăng giá dồn dập một thời điểm; phối hợp trung hòa các lượng tiền trong nền kinh tế (gồm cả tiền thu được từ CPH, thoái vốn, bán chiến lược…) nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Theo tính toán của nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, nếu khéo kiểm soát, CPI bình quân năm 2019 trong tầm kiểm soát, tăng khoảng 3,5-3,8%.

Song song đó Việt Nam cần chú trọng tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế đối với các cú sốc bên ngoài, tập trung vào 5 giải pháp chính: thúc đẩy sự phát triển cân bằng của thị trường tài chính; chú trọng nâng cao năng lực tài chính và khả năng quản lý rủi ro của các tổ chức tài chính; kiểm soát chặt chẽ, tiếp tục giảm nợ công, nợ nước ngoài và tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối; nâng cao năng lực quản lý, giám sát các rủi ro mang tính hệ thống, rủi ro chéo; sớm xây dựng hành lang pháp lý nhằm chủ động cách tiếp cận, quản lý tiền kỹ thuật số, ngân hàng số, Fintech, ví điện tử, cho vay ngang hàng và thanh toán điện tử.

Cuối cùng Việt Nam cần theo dõi chặt chẽ diễn biến căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, chính sách tài khóa-tiền tệ của các nước lớn nhằm kiểm soát dòng vốn, có biện pháp cụ thể nhằm cân bằng hơn thương mại với Mỹ; đồng thời, chủ động bám sát, phối hợp để trao đổi với Bộ tài chính Mỹ để có đánh giá khách quan, đúng và tích cực hơn về chính sách tiền tệ-thương mại của Việt Nam (trong kỳ đánh giá kết thúc tháng 9/2019). Đồng thời, các cơ quan chức năng cần phối hợp kiểm tra, quyết liệt ngăn chặn tình trạng “đội lốt” nhãn mác hàng hóa, xuất xứ Việt Nam; và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm gian lận thương mại này

Kim Phương