Nỗ lực của Trung Quốc trong ngành chip đối mặt với sự phản đối của Mỹ

Trung Quốc đang phải đối mặt với ngày càng nhiều rào cản để vượt qua Mỹ và các đồng minh của họ trong lĩnh vực bán dẫn khi Washington tăng cường các biện pháp hạn chế khả năng sản xuất chip tiên tiến của Bắc Kinh và đảm bảo sự thống trị đối với công nghệ chiến lược này.

Tuần trước, Washington đã hạn chế bán cho Trung Quốc các đơn vị xử lý đồ họa tiên tiến (GPU) của Nvidia và AMD được sử dụng trong các ứng dụng trí tuệ nhân tạo và siêu máy tính.

Động thái này diễn ra sau thông báo của Bộ Thương mại Mỹ vào tháng trước về lệnh cấm xuất khẩu phần mềm tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) sang Trung Quốc được sử dụng trong sản xuất chip thế hệ tiếp theo.

Trong khi đó, Washington đang thúc đẩy các đối tác Đông Á là Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản thành lập liên minh công nghiệp “Chip 4” để cô lập Trung Quốc khỏi hệ sinh thái công nghệ quốc tế, đồng thời tăng cường nỗ lực phát triển ngành công nghiệp cây nhà lá vườn với việc thông qua Đạo luật CHIPS, cung cấp 52 tỷ USD trợ cấp cho các công ty sản xuất chip trên đất Mỹ.

Chris Miller, tác giả của cuốn sách sắp ra mắt Cuộc chiến ngành Chip: Cuộc chiến cho công nghệ quan trọng nhất thế giới, nói với Al Jazeera: “Mỹ đang cố gắng củng cố vai trò trung tâm của mình trong hệ sinh thái bán dẫn của thế giới và đảm bảo rằng Trung Quốc không thể sản xuất những con chip tiên tiến nhất. Việc kiểm soát các chất bán dẫn sẽ không chỉ định hình tương lai của nền kinh tế thế giới, từ điện toán đám mây đến lái xe tự hành, chúng còn là nền tảng cho sức mạnh quân sự”.

Chất bán dẫn đã nổi lên như một trong những chiến trường khốc liệt nhất trong cuộc cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngoài chức năng là mạch máu của nền kinh tế hiện đại, cung cấp năng lượng cho mọi thứ từ iPhone đến máy bay chiến đấu, các con chip này được coi là rất quan trọng để mở ra những đột phá công nghệ của tương lai, có nghĩa là sự cân bằng quyền lực toàn cầu của ngày mai có thể nằm ở các con chip siêu mỏng đang được phát triển ngày nay.

Trung Quốc, giống như các nền kinh tế lớn khác, phụ thuộc rất nhiều vào sản xuất chất bán dẫn ở Đài Loan, nguồn cung cấp hơn 90% nguồn cung chip cao cấp toàn cầu, nhưng gần đây đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc phát triển ngành công nghiệp nội địa của mình.

Mối liên hệ giữa Huawei, một trong những gã khổng lồ công nghệ lớn nhất của Trung Quốc và quân đội Trung Quốc đã là mối quan tâm lâu dài đối với Washington, đỉnh điểm là việc chính quyền Trump thêm công ty vào “Danh sách thực thể” các công ty bị trừng phạt vào năm 2019.

Dưới thời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, việc tận dụng các đột phá công nghệ của khu vực tư nhân để thúc đẩy lĩnh vực quốc phòng của Trung Quốc đã trở thành ưu tiên quốc gia, với Chiến lược kết hợp quân sự-dân sự trở thành trụ cột của chính sách công nghiệp.

Mặc dù Trung Quốc được cho là vẫn thiếu công nghệ sản xuất chip dưới 7nm, nhưng các công ty như SMIC và Shanghai Micro Electronics Equipment Co đang chạy đua để phát triển các loại máy bản địa của riêng họ để phá vỡ thế bế tắc.

Trung Quốc cũng đang tìm kiếm những bước đột phá bằng cách đổ tài nguyên vào các vật liệu thay thế silicon, chẳng hạn như carbon. Bắc Kinh đã đưa nghiên cứu về sợi carbon, graphene, silicon carbide và các vật liệu tổng hợp dựa trên carbon khác trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của mình.

Dylan Patel, một nhà phân tích và là tác giả của bản tin SemiAnalysis, nói: “Đó là một công nghệ tiềm năng của tương lai, nhưng nó vẫn chưa được chứng minh trên quy mô lớn. Bạn có thể tạo ra một con chip siêu nhanh trong phòng thí nghiệm với tốc độ xung nhịp điên cuồng, nhưng chế tạo nó trên một mô hình khả thi về mặt kinh tế lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Nếu nó trở thành công nghệ của tương lai, thì Trung Quốc sẽ gần đi đầu hơn một chút. Khoảng cách mà nó cần thu hẹp tương đối nhỏ hơn”.

Nhật Hạ