Những tín hiệu tích cực từ báo cáo PCI 2020

Sáng ngày 15/4, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tổ chức công bố Báo cáo Thường niên chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020. Đây là chỉ số đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh tại 63 tỉnh, thành trên cả nước, qua cảm nhận của 12.300 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam.


Quảng Ninh năm nay một lần nữa đã vượt qua chính mình và xác lập vững chắc vị trí Quán quân trong Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 4 năm liên tiếp.

60/100 điểm là mức điểm trung bình của bảng xếp hạng PCI năm nay, khoảng cách giữa những địa phương đứng đầu với những tỉnh xếp cuối bảng tiếp tục được thu hẹp. Dấu hiệu này cho thấy sự thay đổi trong chất lượng điều hành, sự năng động và sáng tạo của chính quyền các địa phương trên cả nước.

“Mỗi địa phương đều nỗ lực để cải thiện môi trường kinh doanh của mình và qua đó cũng sẽ tạo ra thêm những cơ hội để đón được thêm những dòng vốn đầu tư. Và địa phương nào làm tốt hơn sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ những dòng vốn đầu tư này”, ông Bradley Bessire, Quyền Giám đốc USAID tại Việt Nam chia sẻ.


Số điểm của tiêu chí chi phí không chính thức từng là nỗi lo của cộng đồng doanh nghiệp, thì năm nay chỉ số này giảm khá mạnh xuống mức 44,9% so với mức 66% của năm 2016.

Tuy nhiên, xu hướng cải cách mạnh mẽ lại diễn ra không đồng đều giữa các địa phương, bảng xếp hạng năm nay không có nhiều thay đổi vì các tỉnh, thành trong top đầu bảng xếp hạng trông khá quen mặt. Bên cạnh đó, một số tiêu chí có mức sụt giảm cần được cải thiện như minh bạch (đặc biệt là các thông tin liên quan đến quy hoạch), chất lượng thông tin trên các website của chính quyền các địa phương.

Chỉ số PCI 2020 cũng cho thấy mức độ lạc quan và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đang sụt giảm mạnh, chỉ có 41% doanh nghiệp dự kiến mở rộng kinh doanh so với mức 51% của năm ngoái. Đây là mức sụt giảm cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế 2012-2013. Điều này đặt ra bài toán cho các địa phương trong việc cải thiện mạnh hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, để tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Trưởng Ban Pháp chế (VCCI), Giám đốc chương trình PCI Đậu Anh Tuấn cho rằng: “Vấn đề của môi trường kinh doanh ở Việt Nam hiện nay không còn là tháo gỡ khó khăn mà phải chuyển sang tư duy tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư”.

Trong bối cảnh dư địa cải cách ngày càng thu hẹp, đà tăng trưởng đã có phần chững lại, đòi hỏi các địa phương phải có những nỗ lực đồng bộ hơn. Chính sách tốt hơn, thông tin minh bạch hơn, thủ tục hành chính ngày càng đơn giản là cần thiết nhưng cần đi đôi với chất lượng thực thi có hiệu quả nhiều hơn nữa.

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trưởng Ban chỉ đạo PCI cho rằng: “PCI là một chỉ số của hành động, thúc đẩy những hành động thực chất của chính quyền các tỉnh, thành phố nhằm nâng cao chất lượng điều hành và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Đó là việc xây dựng và thực thi chính sách dựa trên bằng chứng từ kết quả do PCI cung cấp. Đó là sự tìm tòi và phát triển những ý tưởng cải cách, những mô hình tốt cấp cơ sở. Thực tế, PCI đã cổ vũ và lan tỏa nhiều thực tiễn tốt tại Việt Nam trong thời gian qua”.

Hơn thế nữa, chỉ số PCI còn là động lực để các địa phương phải tiến hành rà soát định kỳ hiệu quả hoạt động một cách có hệ thống bộ máy hành chính của mình, từ đó nâng cao hiệu quả phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp.

Minh Vương