Những khó khăn, thách thức với Cảng Hải Phòng khi bị hủy niêm yết?

Ngày 17/8/2022, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã ban hành Quyết định số 570/QĐ-SGDHN về việc hủy bỏ niêm yết bắt buộc cổ phiếu PHP của Công ty CP Cảng Hải Phòng – công ty con của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam – CTCP (VIMC). Theo đó, 326,96 triệu cổ phiếu PHP sẽ bị hủy niêm yết trên sàn HNX từ ngày 31/8/2022, tương ứng giá trị hủy niêm yết theo mệnh giá gần 3.270 tỷ đồng; ngày giao dịch cuối cùng của PHP sẽ là ngày 30/8/2022. Vấn đề được nhiều người quan tâm ở đây là Cảng Hải Phòng sẽ đối mặt với những khó khăn, thách thức nào khi cổ phiếu PHP bị hủy niêm yết?

Theo Ban Lãnh đạo HNX, lý do hủy bỏ niêm yết bắt buộc cổ phiếu PHP là do Báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán của CTCP Cảng Hải Phòng có ý kiến ngoại trừ của kiểm toán trong 03 năm 2019, 2020, 2021, thuộc trường hợp hủy bỏ niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm h Khoản 1 Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chứng khoán.

Cụ thể theo Báo cáo tài chính năm 2021, đơn vị kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ về khoản mục Tài sản cố định hữu hình của Cảng Hải Phòng (thuộc cầu cảng số 4, 5 và bãi container Cảng Chùa Vẽ) có tổng nguyên giá là 279,7 tỷ đồng, tuy nhiên giá trị còn lại của cầu cảng này là 149,4 tỷ đồng; nguồn vốn hình thành nên các tài sản trên được ghi nhận tại “vay và nợ thuê tài chính dài hạn” giá trị tương ứng là 342,1 tỷ đồng. Tuy nhiên Cảng Hải Phòng vẫn chưa ghi nhận và phản ánh khoản chi phí thuê các tài sản trên vào Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021.

Ngoài ra Bộ Tài chính cũng yêu cầu kiểm tra lại quá trình cổ phần hóa, trong điều kiện hồ sơ quyết toán giá trị vốn Nhà nước tại thời điểm cổ phần hóa của Cảng Hải Phòng chưa được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Do không thể xác định được ảnh hưởng của quá trình kiểm tra nên đơn vị kiểm toán không thể xác định được liệu có cần điều chỉnh các khoản mục có liên quan hay không.

Theo yêu cầu của Bộ Tài chính, Cảng Hải Phòng đã tạm nộp vào ngân sách Nhà nước một số khoản có liên quan đến dự án nêu trên gồm: 44,8 tỷ đồng khấu hao từ năm 2014 đến 31/12/2018; 149,3 tỷ đồng chi phí lãi vay ODA Nhật Bản tạm trích trước. Theo nghị quyết HĐQT ngày 12/06/2020, Công ty đã dừng trích khấu hao, dừng ghi nhận chi phí lãi vay kể từ ngày 01/01/2020 đối với các tài sản thuộc nhóm tài sản trên và đang chờ phê duyệt để quản lý chính thức.

Thực tế, ngay sau khi nhận thông báo về khả năng bị hủy niêm yết hồi cuối tháng 3, VIMC và Cảng Hải Phòng đã có các văn bản số 890/CHP-TCKT ngày 31/3/2022; số 494/HHVN-TCKT ngày 04/4/2022 và số 1133/CHP-TCKT ngày 13/4/2022 gửi HNX giải trình về ý kiến kiểm toán ngoại trừ nêu trong BCTC hợp nhất. Trước đó, liên tục từ năm 2016 đến nay, VIMC cùng Cảng Hải Phòng đã có nhiều báo cáo, nhiều buổi làm việc với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Bộ Tài chính về phương án xử lý đối với tài sản cầu số 04, số 05 và bãi container Cảng Chùa Vẽ.

Sau khi tổng hợp các ý kiến tham gia, Bộ GTVT đã có công văn số 10855/BGTVT-KCHT ngày 28/10/2020 gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hạch toán tăng tài sản và xây dựng phương án vay, lãi vay đối với giá trị các cầu cảng số 04, số 05 thuộc bến cảng Chùa Vẽ – Cảng Hải Phòng. Do chưa được phê duyệt phương án, đến ngày 18/3/2022, Cảng Hải Phòng tiếp tục có văn bản số 765/CV-CHP đề nghị Bộ GTVT có ý kiến báo cáo Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt phương án để Cảng Hải Phòng có thể thực hiện được nghĩa vụ đối với Nhà nước cũng như sớm quyết toán được phần vốn Nhà nước bàn giao sang công ty cổ phần. “Tồn tại trên kéo dài trong nhiều năm không phải chủ quan từ phía Cảng Hải Phòng mà bởi nguyên nhân khách quan là chưa có ý kiến chỉ đạo từ các bộ, ngành, Chính phủ. Đây cũng là vướng mắc dẫn đến việc quyết toán vốn nhà nước tại Cảng Hải Phòng đến nay vẫn chưa xong” – đại diện VIMC giải thích.

Trên cơ sở đó, VIMC đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có văn bản gửi HNX đề nghị tiếp tục duy trì niêm yết cổ phiếu PHP; đồng thời kiến nghị Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt phương án theo đề xuất của Bộ GTVT để Cảng Hải Phòng có căn cứ điều chỉnh lại số liệu tài chính, phê duyệt quyết toán cổ phần hóa thực hiện bàn giao giữa DNNN sang CTCP.

Là cảng biển lớn nhất ở miền Bắc Việt Nam, Cảng Hải Phòng chính thức niêm yết trên HNX từ năm 2015 với vốn điều lệ 3.269 tỷ đồng (phần vốn nhà nước do Vinalines nắm giữ chiếm 92,56% vốn điều lệ) và hiện là công ty có vốn điều lệ lớn nhất trong số các doanh nghiệp cảng biển trên sàn chứng khoán. Kể từ khi lên sàn chứng khoán, hoạt động kinh doanh của Cảng Hải Phòng tăng trưởng đều đặn với lợi nhuận hàng trăm tỷ mỗi năm. Trong năm 2021, Cảng Hải Phòng đạt gần 860 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế – con số lớn nhất từ trước tới nay và trong năm 2022 này, đơn vị đặt mục tiêu thông quan 186 triệu tấn hàng hóa, doanh thu đạt 2.367 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 790 tỷ đồng.

Tuy nhiên việc bị huỷ niêm yết trên sàn HNX sẽ là khó khăn lớn với Cảng Hải Phòng khi không còn cơ hội được huy động vốn qua thị trường chứng khoán. Ngoài ra Cảng Hải Phòng còn phải đối mặt với nhiều thách thức khác như: sự cạnh tranh quyết liệt của hơn 30 cảng lớn, nhỏ khác trong khu vực trên 2 phương diện nguồn khách hàng và giá cước; đặc thù ngành khai thác cảng là sử dụng các thiết bị nâng, đỡ quy mô lớn, do đó việc thay đổi công nghệ mới sẽ không dễ dàng…

Quyết Thanh