Những bước tiến dài trong hợp tác thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ

Sau 25 năm bình thường hóa quan hệ, hợp tác thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Thành tựu đáng ghi nhận chính là sự “lột xác” của ngành sản xuất Việt Nam qua ¼ thế kỷ.

Tháng 7/1995, Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao. Đến ngày 13/07/2000 tại Washington, Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) đã được ký kết và chính thức có hiệu lực từ ngày 10/12/2001, mở ra trang mới trong hợp tác thương mại giữa hai nước.

Trong thời gian đầu bình thường hóa quan hệ hợp tác, Việt Nam chủ yếu xuất sang Hoa Kỳ các mặt hàng thuộc nhóm có giá trị gia tăng thấp hơn trong chuỗi giá trị như: nông sản, may mặc, da giày…. Đặc điểm chung trong giai đoạn này là lượng hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ chưa đa dạng, tổng giá trị còn thấp. Trong khi đó phần lớn Hoa Kỳ xuất sang Việt Nam các sản phẩm thiết bị điện tử, công nghệ và các thiết bị điện gia dụng; số lượng mặt hàng cũng đa dạng hơn nhiều.

Tuy nhiên kể từ khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO (năm 2007), thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ bắt đầu có sự khởi sắc. Trong cả giai đoạn 2007-2018, có tới 11 năm đạt tốc độ tăng trưởng dương, trừ năm 2009 do khủng khoảng kinh tế toàn cầu nên thương mại song phương Việt Nam Hoa Kỳ giảm nhẹ 1%. Số liệu thống kê của cơ quan Hải quan cho thấy, tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong vòng 12 năm qua (2007-2018) đạt mức trung bình tới 17,4%/ năm. Trong đó, xuất khẩu bình quân cả giai đoạn tăng 16,2%/năm và nhập khẩu tăng 23,8%/năm. Khi Việt Nam gia nhập WTO, trị giá xuất nhập khẩu song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ mới đạt con số gần 11,8 tỷ USD nhưng đến năm 2018 con số này đã lên đến hơn 60 tỷ USD, gấp 5 lần thời điểm 2007.

Kể từ năm 2018, hàng Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ phong phú hơn rất nhiều về mặt chủng loại, nổi bật có thể kể đến hàng điện tử, điện và linh kiện các loại đã trở thành mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam sang Hoa Kỳ, chiếm tới 27%. Theo sau mà mặt hàng may mặc chiếm tỷ trọng khoảng 25%, mặt hàng da giày và đồ nội thất. Ở chiều ngược lại, Hoa Kỳ chủ yếu xuất sang Việt Nam nguyên liệu thô như cotton (bông thô), thức ăn chăn nuôi, các loại hoa quả hạt và đồ điện tử.

Theo thời gian, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ và hiện Hoa Kỳ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Dữ liệu từ OEC cho thấy nếu như 1995, các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam là sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nhẹ thì giờ đây đã được thay thế bằng thiết bị phát sóng, điện thoại, mạch tích hợp, dệt may… Còn các mặt hàng nhập khẩu hàng đầu của Việt Nam giờ chủ yếu là nguyên liệu đầu vào của quá trình sản xuất như mạch tích hợp, điện thoại, dầu mỏ tinh chế, vải dệt kim cao su nhẹ và bộ phận thiết bị điện…

Đến tháng 10/2019, với mức tăng trưởng xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 34% (tương đương 10,9 tỷ USD), Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 7 trong danh sách các nhà cung cấp hàng đầu cho Hoa Kỳ. Qua đó có thể thấy xuất khẩu của Việt Nam đang dần chuyển sang các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao hơn, đa dạng hơn và đã thâm nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị công nghệ cao của khu vực và thế giới. Với chất lượng vượt trội, mẫu mã đa dạng, đảm bảo các tiêu chuẩn vượt trội, Việt Nam ngày càng có nhiều mặt hàng đáp ứng được những thị trường khắt khe như Hoa Kỳ và đây cũng chính là một lợi thế rất lớn cho xuất khẩu Việt Nam trong thời gian tới.

Thanh Trúc