Nhu cầu tiêu thụ suy yếu, giá nguyên liệu đầu vào giảm mạnh kéo dài đà giảm của giá thép
Chỉ trong vòng 2 tháng (kể từ ngày 11/5/2022), giá thép đã 8 lần liên tiếp điều chỉnh giảm giá với mức điều chỉnh lũy kế khoảng 3 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu và loại thép
Nằm trong danh sách những doanh nghiệp điều chỉnh giá thép mạnh nhất đợt này, Hòa Phát vừa thực hiện điều chỉnh giá thép tại miền Bắc với mức giảm lần lượt 360.000 đồng và 200.000 đồng một tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300.
Tương tự thương hiệu thép Việt Đức cũng điều chỉnh giảm 190.000 đồng một tấn đối với thép cuộn CB240 và giảm 300.000 đồng một tấn đối với thép thanh vằn D10 CB300; thép Việt Ý điều chỉnh giảm 200.000 đồng một tấn đối với thép cuộn CB240 và giảm 210.000 đồng một tấn đối với thép thanh vằn D10 CB300; Kyoei điều chỉnh giảm 200.000 đồng một tấn đối với thép cuộn CB240 và giảm 140.000 đồng một tấn đối với thép thanh vằn D10 CB300.
Như vậy tính từ giữa tháng 5 đến nay, giá thép đã điều chỉnh giảm đến hơn 3 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu và loại thép. Sau điều chỉnh, mặt bằng giá thép cuộn CB240 hiện dao động 16-16,5 triệu đồng/tấn, thép thanh vằn D10 CB300 vào khoảng 16,3-17,5 triệu đồng/tấn. Mức giá này giảm so với mức đỉnh (21 triệu đồng/tấn) khoảng 4-5 triệu đồng.
Lý giải hiện tượng này, Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết từ đầu năm 2022 đến nay kinh tế Việt Nam đang trên đà hồi phục song do nhu cầu sử dụng thép trong các công trình xây dựng thấp kéo theo mức tiêu thụ thép cũng giảm đáng kể. Còn trên thế giới, áp lực cầu yếu ở thị trường Trung Quốc và toàn cầu cũng kéo theo giá giao dịch các sản phẩm thép giảm.
Thống kê của SSI Research cho thấy trong 5 tháng đầu năm 2022 nhu cầu thép trong nước đã giảm khoảng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 4 và tháng 5, sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm trong nước (bao gồm thép xây dựng, tôn mạ và thép ống) đã giảm khoảng 32% so với cùng kỳ.
SSI Research lý giải nhu cầu giảm có thể là hệ quả từ sự kết hợp của 3 yếu tố: giá thép cao và sự gia tăng của các chi phí vật liệu xây dựng khác; các nhà phân phối tạm dừng dự trữ hàng tồn kho do lo ngại giá thép tạo đỉnh; nhu cầu và giá thép chịu ảnh hưởng từ các chính sách quản lý siết chặt hơn dòng vốn vào lĩnh vực bất động sản. Ngoài ra giá thép giảm còn do giá nguyên liệu đầu vào giảm mạnh. Thống kê của SSI Research cho thấy so với mức đỉnh hồi tháng 3/2022 thì hiện giá than cốc đã giảm tới 36%; tương tự giá quặng sắt cũng giảm tới 13% trong 3 tháng qua.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, nguyên liệu đầu vào rẻ hơn giúp giảm chi phí sản xuất thép của doanh nghiệp trong các quý tiếp theo. Chính vì vậy trong 6 tháng cuối năm Hiệp hội dự báo giá thép xây dựng trong nước sẽ tiếp tục giảm.
Còn trong Báo cáo chiến lược 6 tháng cuối năm, các chuyên gia VnDirect kỳ vọng trong giai đoạn 2022-2023, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Việt Nam sẽ tăng 5-10% so với cùng kỳ nhờ động lực từ chính sách đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, sự gia tăng dòng vốn đầu tư công và sự “nóng” lên của thị trường bất động sản nhà ở. Theo đó giá bán thép xây dựng cũng sẽ giảm dần về mức trung bình trong dài hạn. Trước mắt VnDirect dự đoán giá thép xây dựng trung bình năm 2022 sẽ đạt 16,1 triệu đồng/tấn và về mức 14,5 triệu đồng/tấn trong năm 2023. Giá thép xây dựng hạ nhiệt cũng phần nào giảm tải gánh nặng cho nhiều doanh nghiệp xây dựng, nhất là khi mặt hàng thép luôn chiếm từ 20-30% chi phí mỗi công trình.
Về phía Bộ Công Thương, để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng cũng như kiến tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị, cơ quan thuộc bộ nghiên cứu rà soát và thực hiện việc xây dựng các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng đối với sản phẩm thép; chủ động tiến hành triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép phù hợp với các quy định thương mại và luật pháp quốc tế.
Ngoài ra Bộ Công Thương cũng sẽ kiến nghị ban hành các chính sách kiểm soát xuất khẩu đối với các loại thép trong nước đang có nhu cầu; tiếp tục theo dõi và xử lý kịp thời việc chống bán phá giá một số sản phẩm thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam cũng như đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá của các nước đối với mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam nhằm giảm thiểu các thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất thép. Đồng thời tăng cường công tác quản lý thị trường để ngăn chặn, xử lý kịp thời những hiện tượng đầu cơ tăng giá thép, thao túng giá thép trên thị trường, gian lận thương mại làm thất thu ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Duy Ngọc