Nhóm cổ đông nước ngoài muốn thoái sạch vốn khỏi ACB

Hai cổ đông nước ngoài có liên quan tới quỹ đầu tư Dragon Capital của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa có thông báo về việc đăng ký bán hơn 107 triệu cổ phiếu ACB với mục đích thoái vốn. Đây là đợt thoái vốn lần thứ hai của nhóm quỹ đầu tư nước ngoài tại ACB. Giá trị thương vụ thoái vốn lần này vào khoảng 3.500 tỷ đồng.

Trong đó, quỹ First Burns Investments Limited đang ký bán hơn 53,5 triệu cổ phiếu ACB đang nắm giữ, tương đương 2,475% vốn điều lệ ngân hàng. Trong khi Asia Reach Investments Limited cũng đăng ký bán hơn 54,3 triệu cổ phiếu, tương ứng 2,51%. Đây là toàn bộ số cổ phiếu ACB mà 2 quỹ đầu tư trên nắm giữ sau đợt thoái vốn đầu tiên diễn ra vào tháng 10/2020.

Trong đợt thoái vốn lần hai này, phương thức giao dịch dự kiến được thực hiện là khớp lệnh hoặc thỏa thuận thông qua hệ thống giao dịch trực tuyến của HOSE, thời gian dự kiến diễn ra từ 10/3 đến 8/4.

Đáng chú ý, động thái bán ra của 2 quỹ đầu tư nói trên diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu ACB đang ở vùng giá cao nhất kể từ khi niêm yết năm 2006 đến nay, đạt 32.450 đồng/cổ phiếu (cuối ngày 5/3).

Tính trong 6 tháng gần nhất, ACB cũng đã tăng hơn 60% thị giá từ vùng 20.000 đồng/cổ phiếu lên hiện tại. Đây là một trong những cổ phiếu ngân hàng có mức tăng mạnh nhất 2 quý gần đây.

Ở vùng giá hiện tại, giá trị thương vụ thoái vốn của 2 quỹ đầu tư kể trên sẽ vào khoảng 3.500 tỷ đồng.

Trong lần thoái vốn hồi tháng 10/2020, First Burns Investments Limited và Asia Reach Investments Limited cũng bán ra lần lượt 13,7 triệu cổ phiếu và 32,9 triệu cổ phiếu ACB, nhưng vùng giá khi đó mới ở mức 24.000 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị vào khoảng 1.100 tỷ đồng. Theo công bố của cả 2 quỹ đầu tư trong lần thoái vốn này, mục đích giao dịch là để thu hồi tiền mặt.

Cả Asia Reach Investments và First Burns lnvestments đều là quỹ đầu tư có liên quan đến thành viên HĐQT của ACB, ông Dominic Scriven – Chủ tịch quỹ đầu tư Dragon Capital.

Ở thời điểm 2019, Asia Reach Investments, First Burns lnvestments cùng Dragon Financial Holdings nắm giữ tổng cộng hơn 14% vốn ngân hàng phía Việt Nam.

Dù 2 quỹ ngoại nói trên đã đăng ký thoái sạch vốn khỏi ACB nhưng theo báo cáo đầu tư của Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) thuộc Dragon Capital, tính đến cuối tháng 2 năm nay, khoản đầu tư vào cổ phiếu ACB vẫn chiếm 9,42% tổng giá trị danh mục của quỹ.

Đây cũng là khoản đầu tư lớn 3 trong danh mục với giá trị tương đương gần 190 triệu USD, xếp sau khoản đầu tư vào Hòa Phát (HPG) với giá trị 235 triệu USD và Thế giới Di động (MWG) với 191 triệu USD.

Nhiều năm liên tiếp khoản đầu tư tại ACB luôn nằm trong top những khoản đầu tư lớn nhất của Vietnam Enterprise Investments tại thị trường Việt Nam. Khoản đầu tư kể trên được VEIL nắm giữ thông qua Dragon Financial Holdings, hiện là cổ đông sở hữu 149,6 triệu cổ phiếu ACB.

Ngoài nhóm cổ đông nước ngoài liên quan Dragon Capital, hiện ACB còn một nhóm cổ đông lớn nước ngoài nữa là Alp Asia Finance cũng nắm giữ gần 10% vốn nhà băng sau khi mua lại từ nhóm Standard Chartered năm 2018.

Ở chiều ngược lại, một cổ đông ngoại khác của ACB là DC Developing Markets Strategies PLC (sở hữu 0,13% vốn) cũng mới đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu từ ngày 1/3 đến 8/4 để nâng sở hữu tại đây lên 0,362%. Số tiền dự kiến quỹ này phải chi ra vào khoảng 166 tỷ đồng.

Về hoạt động kinh doanh của ACB, trong năm 2020 vừa qua, nhà băng này ghi nhận tổng cộng 9.596 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất, tăng 28% so với năm liền trước. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay mà nhà băng này đạt được.

Khoản lợi nhuận tăng mạnh nói trên của ACB đến từ việc nhiều mảng kinh doanh đều có tăng trưởng trong năm như lãi mua bán chứng khoán kinh doanh tăng 121%; lãi mua bán chứng khoán đầu tư tăng 13,5 lần; lãi kinh doanh ngoại hối tăng 60%…

Đến cuối năm 2020, ngân hàng này có tổng tài sản đạt trên 441.500 tỷ đồng, tăng 15,1% so với cuối năm 2019. Các chỉ tiêu dư nợ cho vay khách hàng đạt gần 311.500 tỷ, tăng 15,9% và tiền gửi khách hàng đạt 353.200 tỷ, tăng 14,6%.

Hoài Anh