Nhóm “Big 4” ngành thương mại điện tử liên tục lỗ sâu

Năm 2018 mức lỗ của nhóm “Big 4” ngành thương mại điện tử (Lazada – Shopee – Sendo – Tiki) tiếp tục tăng lên con số 5.100 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế 3 năm (2016 – 2018) vượt 12.500 tỷ đồng.

Lazada, Shopee ghi nhận mức lỗ khủng

Sau một thời gian đầu tư quyết liệt, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã dần định hình được một số tay chơi lớn, nổi bật là nhóm “Big 4” Lazada, Tiki, Shopee và Sendo. Sở dĩ các trang thương mại điện tử này dù chịu mức lỗ rất lớn vẫn còn trụ vững cho đến hôm nay là nhờ được chống lưng bởi những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh hoặc những tập đoàn thương mại điện tử nước ngoài.

Trong đó Lazada được ghi nhận là tay chơi chịu chi nhất trên thị trường, thể hiện qua việc lỗ liên tiếp 1.000 tỷ đồng/năm trong 2 năm 2015-2016. Tuy nhiên con số này nếu so với mức lỗ lên đến hơn 2.000 tỷ đồng/năm của Shopee thì thật không thấm vào đâu.

Nhằm chuẩn bị cho cuộc chiến dài hơi tại thị trường Việt Nam, Shopee được công ty mẹ là Tập đoàn SEA của Singapore bơm vốn rất mạnh để thu hẹp khoảng cánh với Lazada và trong 3 năm góp măt tại thị trường thương mại điện tử Việt Nam, Shopee phải “gánh” mức lỗ khá nặng. Ngay trong năm ra mắt thị trường 2016, Shopee lỗ 164 tỷ đồng và đến năm 2018 con số này đã nâng lên 1.900 tỷ đồng. Dù lỗ lũy kế trong 3 năm liên tiếp song phải đến đầu quý 2/2019, Shopee mới bắt đầu tính đến việc thu phí của người bán hàng trên nền tảng của mình.

Nếu như năm 2016, mức lỗ của nhóm “Big 4” ngành thương mại điện tử chỉ có 1.700 tỷ đồng thì đến năm 2017 đã tăng gấp đôi lên 3.400 tỷ và năm 2018 tiếp tục tăng gấp rưỡi lên 5.100 tỷ đồng. (Ảnh: CafeF)

Trong khi doanh thu của Shopee bằng 0 – do không trực tiếp bán hàng – thì cả Lazada và Tiki (thông qua Tiki Trading) đều trực tiếp kinh doanh, qua đó cũng ghi nhận doanh thu đáng kể. Năm tài chính kết thúc vào 31/3/2018, doanh thu của Lazada tăng vọt từ 1.100 tỷ lên 2.800 tỷ đồng. Tuy vậy, mức lỗ cũng tăng gần gấp đôi từ 1.200 tỷ lên 2.150 tỷ đồng, chủ yếu là do tăng chi phí tài chính cũng như chi phí bán hàng.

(Ảnh: CafeF)

Với việc luôn chấp nhận mức lỗ vượt trội so với ngành, tính đến 31/3/2018, lỗ lũy kế của Lazada đã lên đến hơn 5.300 tỷ đồng. Giả sử vẫn duy trì mức lỗ khoảng 500 tỷ đồng/quý thì đến cuối năm 2018, tổng lỗ lũy kế của Lazada và Shopee đã lên đến gần 10.000 tỷ đồng. Mặc dù lỗ rất lớn, nhưng vốn điều lệ của Lazada từ nhiều năm nay vẫn chỉ giữ nguyên ở mức 15 tỷ đồng. Toàn bộ nguồn vốn hoạt động đều được công ty mẹ – trước đây là Rocket Internet và hiện là Alibaba Group – hỗ trợ.

Sendo và Tiki huy động thành công lượng vốn lớn

So với hai “ông lớn” Lazada và Shopee, mức lỗ của Tiki và Sendo thấp hơn nhiều, trong đó Tiki chỉ lỗ 760 tỷ và Sendo lỗ 700 tỷ đồng trong năm 2018.

Tiki, Sendo và Momo là những doanh nghiệp công nghệ huy động được nhiều vốn nhất giai đoạn 2015-2018 (Ảnh: CafeF)

Cuối tháng 11/2019, Sendo công bố đã gọi vốn thành công 61 triệu USD ở vòng Series C. Số tiền 61 triệu USD được đầu tư bởi các cổ đông hiện hữu cũng như hai nhà đầu tư mới EV Growth của Indonesia và Kasikornbank của Thái Lan. Những nhà đầu tư ở vòng Series B tiếp tục rót vốn ở vòng nay bao gồm SBI Group, Beenos, SoftBank, Daiwa PI Partner, Digital Garage. Số vốn Sendo huy động ở vòng trước là 51 triệu USD.

Theo ông Trần Hải Linh, CEO của Sendo, công ty dự định sẽ dùng số vốn để tiếp tục có thêm những ưu đãi cho khách hàng, đồng thời nâng cấp hệ thống công nghệ sử dụng AI để gia tăng trải nghiệm của khách hàng.

Về phía Tiki, sau khi báo cáo của iPrice công bố, lượng truy cập vào website của Tiki trong quí III/2019 đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Vòng gọi vốn gần nhất, Tiki đã huy động thành công 100 triệu USD. Trong số đó có 75 triệu USD từ North Star Group và các nhà đầu tư khác.

Có thể nói Tiki và Sendo đang là hai đối thủ cạnh tranh trực tiếp theo đúng nghĩa đen khi cả hai đều lựa chọn hoạt động ở thị trường nội địa. Mặc dù vẫn lỗ lớn nhưng giá trị của 2 trang thương mại điện tử này đều tăng lên đáng kể qua mỗi vòng gọi vốn. Với việc huy động thêm 61 triệu USD cho 14,6% cổ phần thì định giá của Sendo đã lên đến 400 triệu USD.

Cả Tiki và Sendo đều được đánh giá là có tiềm năng trở thành kỳ lân công nghệ tiếp theo của Việt Nam, sau VNG. Tất nhiên để điều này thành hiện thực thì điều kiện cần vẫn phải là huy động được thêm vốn từ để có thể tiếp tục gia tăng vị thế trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Thiên Phú