Nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh đề xuất thành lập và mở rộng Thành phố phía Đông

Đề xuất thành lập Thành phố phía Đông của Tp.HCM (với việc sáp nhập 3 quận của Thành phố là Q.2, Q.9, Q.Thủ Đức) và việc mở rộng Thành phố phía Đông một phần sang huyện Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai) đang được các chuyên gia kinh tế đáng giá cao. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có không ít ý kiến trái chiều.

Cụ thể ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM cho rằng nên mở rộng Thành phố phía Đông của Tp.HCM một phần sang huyện Long Thành và Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai để có dư địa phát triển. Ngoài ra nên sáp nhập Sân bay Long Thành vào Thành phố phía Đông bởi một sân bay quy mô quốc tế không thể để một tỉnh quản lý. Tp.HCM cũng nên xin cơ chế sáp nhập một phần huyện Long Thành và toàn huyện Nhơn Trạch vào Thành phố phía Đông.

Đồng quan điểm, chuyên gia bất động sản cá nhân Nguyễn Thái Huy cho rằng việc sáp nhập 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch vào Thành phố phía Đông là hoàn toàn hợp lý bởi nó sẽ giúp giải quyết thỏa đáng vấn đề giãn cư, chia sẻ áp lực lên Tp.HCM vốn đã cạn kiệt về quỹ đất. “Theo tôi đây là đề xuất rất khả thi nếu xét trên các yếu tố: hạ tầng giao thông, tài nguyên đất, dân cư, kinh tế, dịch vụ, công nghiệp…; đồng thời đóng góp rất lớn đến việc hình thành đại đô thị kiểu mẫu về kiến trúc cảnh quan, môi trường sinh thái, giao thông và kinh tế. Đặc biệt với tâm điểm Sân bay Quốc tế Long Thành thì sự hình thành các khu vực phụ cận và phụ trợ hàng không sẽ thu hút nguồn đầu tư khổng lồ; từ đó tạo nên thế 5 chân vững chãi và liên kết khép kín: Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Khu Đông, Bà Rịa Vũng Tàu. Đây cũng là nơi đầu tiên cung cấp tất cả mô hình kinh tế, kinh doanh, sản xuất, vận chuyển đều thông hành quốc tế” – ông Huy khẳng định.

Còn đại diện một nhà đầu tư lâu năm tại khu Đông Tp.HCM cho rằng nếu được thành lập, Thành phố phía Đông sẽ trở thành một khu trung tâm mới, đô thị mới đúng nghĩa và nâng tầm giá trị hơn rất nhiều. Và nếu sáp nhập Nhơn Trạch, Long Thành vào Tp.HCM sẽ trở thành một khu đô thị sân bay, không những giúp Thành phố giải quyết được vấn đề giãn dân mà còn tạo thêm quỹ đất rất lớn để phát triển bất động sản trong dài hạn.

Nhấn mạnh việc thành lập Thành phố phía Đông là chủ trương đi cùng với định hướng chiến lược phát triển dài hạn của Tp.HCM, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land Nguyễn Thị Thanh Hương cũng đồng thời khẳng định khu Đông đang sở hữu rất nhiều lợi thế phát triển; trong đó phải kể đến vị trí đắc địa, giao thông kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm, hạ tầng giao thông đang phát triển mạnh, ngày càng hoàn thiện với trục đường cao tốc và tuyến Metro số 1 sắp đi vào hoạt động. Nơi đây hội tụ đủ các yếu tố để hình thành nên một trung tâm mới về kinh tế, giáo dục, công nghệ, thương mại và dịch vụ, vui chơi giải trí…. “Việc thống nhất 3 quận thành lập Thành phố phía Đông với các cơ chế phát triển đặc thù, riêng biệt sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của Tp.HCM và là cơ hội rất lớn về công ăn việc làm, về nhu cầu nhà ở cũng như thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước. Do đó khi đề án thành lập Thành phố phía Đông được Chính phủ chấp thuận, Tp.HCM nên tập trung nguồn lực cho việc sáp nhập 3 quận trước. Còn việc mở rộng ra khu vực lân cận trong tương lai hãy tính đến bởi còn phải xem xét đến sự tương đồng về mặt quy mô và các yếu tố nền tảng khác trong quá trình sáp nhập. Ngoài ra còn cần phải xác định vai trò của các khu vực lân cận trong tổng thể chiến lược khu Đông để xem xét về sự cần thiết hay không trong giai đoạn này” – bà Hương khuyến nghị.

Dự kiến Thành phố phía Đông của Tp.HCM sẽ có diện tích tự nhiên 21.000 ha, chiếm 10% diện tích của Thành phố; quy mô dân số hơn 1,1 triệu người, chiếm 10% dân số Thành phố. Với việc đóng góp khoảng 30% GDP của Tp.HCM, tương đương mức GDP của nhiều tỉnh khác cộng lại, Thành phố phía Đông sẽ là “quả đấm kinh tế” của Thành phố mang tên Bác. Đặc biệt việc thành lập Thành phố phía đông sẽ đưa Tp.HCM trở thành địa phương đầu tiên của cả nước có mô hình Thành phố thuộc Thành phố trực thuộc Trung ương. Theo lộ trình, đề án Khu đô thị phía Đông sẽ được Tp.HCM trình Quốc hội trong năm 2020 này. Nếu được thông qua, từ năm 2021 trở đi Thành phố có thể bắt tay triển khai. Ngoài ra, UBND Tp.HCM cũng đã chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo về xây dựng đô thị sáng tạo, tương tác cao Thành phố phía Đông bao gồm 22 thành viên do Chủ tịch UBND Tp.HCM làm trưởng ban.

Minh Anh