Nhiều vấn đề “nóng” được mổ xẻ tại Đối thoại Shangri-La 2022

Hội nghị thượng đỉnh Đối thoại Shangri-La lần thứ 19 – năm 2022 do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS)  tổ chức đã chính thức khai mạc tại Singapore hôm 10/6. Tâm điểm của Đối thoại nằm ở những vấn đề “nóng” thu hút sự quan tâm của toàn thế giới như: xung đột Mỹ – Trung; khủng hoảng Nga – Ukraine; những lo ngại an ninh xoay quanh chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên; tác động an ninh khu vực khi các quốc gia tập trung vào hồi phục hậu Covid-19….

Khách sạn Shangri-La ở Singapore là địa điểm tổ chức hội nghị Đối thoại Shangri-La 2022. Ảnh: Reuters

Trong thông cáo ngày 9/6, Bộ Quốc phòng Singapore (Mindef) cho biết Đối thoại Shangri-La đã cung cấp một nền tảng có giá trị, cởi mở và trung lập để trao đổi quan điểm về các vấn đề và sáng kiến quốc phòng, an ninh.

Còn theo ông James Crabtree – Giám đốc điều hành khu vực Châu Á của IISS, việc nhiều bộ trưởng quốc phòng tham dự đối thoại năm nay cho thấy Singapore vẫn giữ vị trí trung tâm trong việc giúp tạo thuận lợi cho hoạt động ngoại giao an ninh, không chỉ ở Đông Nam Á mà còn ở khu vực rộng lớn hơn. Đối thoại lần này là diễn đàn để các quan chức quốc phòng cấp cao đề xuất những giải pháp mang tính xây dựng cho các vấn đề khu vực đúng vào thời điểm lòng tin suy giảm và căng thẳng Mỹ – Trung ngày càng gia tăng.

Trong ngày khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Đối thoại Shangri-La lần thứ 19, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã có bài phát biểu trình bày quan điểm của Nhật Bản về các diễn biến quốc tế cũng như tầm nhìn về giải pháp tìm kiếm hòa bình. Ông Kishida khẳng định Nhật Bản sẽ chủ động hơn bao giờ hết đối với các vấn đề an ninh trong khu vực, bao gồm thúc đẩy hợp tác và năng lực thực thi pháp luật trên biển, ủng hộ một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Đây cũng là những điểm quan trọng trong kế hoạch “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở vì hòa bình” mà ông sẽ công bố vào đầu năm 2023.

Ngoài ra trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nhật Bản cũng nhiều lần nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN, mối quan hệ hợp tác ASEAN – Nhật Bản và khẳng định ủng hộ tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. “Nhật Bản ủng hộ sự phát triển của Đông Nam Á… và mong muốn được ngồi lại với lãnh đạo các nước ASEAN để cùng thảo luận sâu hơn nữa về vấn đề làm sao đảm bảo sự thịnh vượng trong khu vực” – ông Fumio Kishida nhấn mạnh.

Ngoài mối quan tâm về những tác động an ninh khi các quốc gia đang thúc đẩy quá trình phục hồi hậu Covid-19, giới quan sát kỳ vọng diễn đàn do IISS tổ chức sẽ làm sáng tỏ cách nhìn nhận và lập trường của Mỹ cũng như Trung Quốc trong mối quan hệ với khu vực.

Theo đó tại buổi Đối thoại diễn ra vào ngày 11/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có bài phát biểu về chính sách quốc phòng của Washington ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Sau đó một ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa có bài diễn văn về tầm nhìn của Bắc Kinh đối với trật tự khu vực ở châu Á – Thái Bình Dương.

Hai Bộ trưởng Quốc phòng của Mỹ và Trung Quốc cũng dự kiến có cuộc tiếp xúc trực tiếp bên lề hội nghị, để bàn về cách kiểm soát cạnh tranh giữa các siêu cường, trong bối cảnh căng thẳng song phương về nhiều vấn đề, kể cả các động thái quân sự ở Biển Đông và nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh với các đảo quốc ở Thái Bình Dương. Không chỉ Shangri-La 2022 mà các sự kiện Đối thoại Shangri-La trước đây cũng được xem là cơ hội để các nhà lãnh đạo quân sự của 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới cùng ngồi lại với nhau để tìm giải pháp giảm thiểu những căng thẳng trong quan hệ kinh tế – chính trị giữa hai nước.

Một quan chức cấp cao trong chính quyền Joe Biden tiết lộ các cuộc tiếp xúc Mỹ – Trung tại hội nghị thượng đỉnh năm nay sẽ dành ưu tiên cho việc thiết lập các rào chắn để bảo vệ quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước và đảm bảo những bất đồng sẽ không biến thành một dạng hiểu lầm quân sự hoặc thông tin sai lệch nào đó. Về phía truyền thông Trung Quốc cũng phát đi thông điệp Bắc Kinh sẽ tận dụng mọi cơ hội có được từ Đối thoại Shangri-La để thảo luận về khả năng hợp tác với Mỹ.

Theo Phó Giáo sư Dylan Loh thuộc chuyên ngành Chính sách công và các vấn đề toàn cầu tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), dù không có nhiều kỳ vọng về các cuộc tiếp xúc lần này giữa lãnh đạo hai nước Mỹ – Trung song ông vẫn mong mỏi đây sẽ là một nấc thang nhỏ đầy khởi sắc trong việc khôi phục các đường dây liên lạc thường xuyên hơn giữa hai nước.

Còn theo ông Steven Okun – Cố vấn cấp cao của Công ty tư vấn địa chiến lược McLarty Associates, các nhà lãnh đạo ở Đông Nam Á đã thể hiện rất rõ quan điểm về các ưu tiên của họ trước Washington và Bắc Kinh. Họ hoàn toàn không muốn rơi vào thế buộc phải lựa chọn có quan hệ ngoại giao hoặc kinh tế với chỉ một bên, hoặc Washington hoặc Bắc Kinh. “Cộng đồng doanh nghiệp cũng sẽ theo dõi sự kiện năm nay để xem các siêu cường định vị bản thân như thế nào, đặc biệt sau khi Mỹ đề xuất Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) vào tháng trước như một giải pháp thay thế cho sự hiện diện thương mại ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực” – ông Steven Okun cho hay.

Bên cạnh các chủ đề “nóng” như xung đột Mỹ – Trung, các vấn đề an ninh của châu Á thì khủng hoảng Nga – Ukraine cũng sẽ là một chủ đề chính trong các cuộc thảo luận tại Đối thoại Shangri-La 2022. Ngoài ra các đại biểu cũng tập trung thảo luận về những lo ngại an ninh ngày càng tăng xoay quanh chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng đã thực hiện ít nhất 18 vụ thử vũ khí, trong đó có cả tên lửa đạn đạo kể từ đầu năm nay. Cách đây 2 tuần, Trung Quốc và Nga đã phủ quyết đề xuất của Mỹ về việc áp thêm lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với Triều Tiên. Bất chấp việc Mỹ lên tiếng chỉ trích Trung Quốc và Nga đặt quan hệ chiến lược của nhau lên trên an ninh thế giới, các đại diện của Bắc Kinh và Moscow vẫn thẳng thừng bác bỏ cáo buộc này.

Việt Hoàng