Nhiều mặt hàng nông sản nhập khẩu từ Mỹ sẽ được giảm thuế

Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết Đại sứ quán Mỹ vừa có văn bản đề nghị giảm mạnh thuế nhập khẩu một số mặt hàng nông sản (gà, hạnh nhân, táo tươi, nho tươi, nho khô, lúa mỳ, óc chó chưa bóc vỏ, khoai tây, thịt lợn, sữa..)  ngay trong năm 2020 và tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo về 0%.

Để phản hồi đề nghị từ phía Mỹ, Bộ Tài chính đã gửi công văn xin ý kiến các Bộ, ngành về sửa đổi, bổ sung Nghị định 125/2017 biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi. Trong công văn, Bộ Tài chính nêu những mặt hàng trên được xem xét giảm thuế trong năm 2020 và có lộ trình giảm về 0% ở những năm tiếp theo, theo đề nghị từ phía Mỹ. Việc giảm thuế lần này cũng nằm trong mục tiêu chung nhằm cân bằng cán cân thương mại với Mỹ.

Đơn cử đối với mặt hàng thịt gà và sản phẩm chế biến từ thịt gà, Đại sứ quán Mỹ đề nghị giảm thuế từ 20% xuống 14,5% trong năm 2020 và về hẳn 0% vào năm 2028. Đối với mặt hàng táo tươi, nho tươi được Mỹ đề nghị giảm thuế MFN từ 10% xuống 0% ngay trong năm 2020; tương tự mặt hàng lúa mỳ giảm thuế từ 5% xuống 0%; mặt hàng khoai tây đã chế biến hoặc bảo quản bằng cách khác (trừ bảo quản bằng giấm hoặc axit acetic) được đề nghị giảm thuế xuống 6% năm 2020 và 0% năm 2021. Đối với mặt hàng thịt lợn tươi hoặc ướp lạnh (trừ loại thịt cả con và nửa con, trừ thịt mông đùi, thịt vai và các mảnh của chúng), Đại sứ quán Mỹ đề nghị giảm thuế từ 25% xuống 18,9% năm 2020 và 0% trong năm 2027…

Trước đề nghị từ phía Mỹ, Bộ Tài chính chủ trương sẽ thống nhất giảm thuế suất các mặt hàng trên song mức giảm sẽ thấp hơn so với con số Mỹ đưa ra. Cụ thể đối với mặt hàng thịt gà và sản phẩm chế biến từ thịt gà, Bộ Tài chính dự kiến giảm thuế xuống 18% trong năm 2020, cao hơn mức gợi ý 14,5% của Mỹ vì mức thuế 18% tương ứng với mức cắt giảm năm thứ nhất trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tương tự mức thuế với sản phẩm táo, nho tươi nhập từ Mỹ sẽ giảm về 8% thay vì 0%; lúa mỳ giảm về 3% thay vì 0%; khoai tây giảm về 12% thay vì 6%; thịt lợn giảm về 22% (mức thuế tiệm cận theo cam kết trong CPTPP) trong năm 2020 thay vì mức 18,9% theo đề nghị của Mỹ.

Sau khi lấy ý kiến các Bộ, ngành, Bộ Tài chính sẽ tập trung hoàn thiện dự thảo Nghị định 125/2017 sửa đổi.

Kim Phương