Nhiều địa phương đồng loạt xin bổ sung quy hoạch nguồn điện gió và cảnh báo từ các chuyên gia

Đặt mục tiêu đầu tư năng lượng tái tạo, 55 địa phương trong cả nước đã đề xuất bổ sung các dự án điện gió, điện khí vào quy hoạch phát triển điện VIII với tổng công suất lắp đặt hơn 440.000 MW, cao gấp gần 3 lần kịch bản Bộ Công Thương đưa ra

default

Mới đây UBND tỉnh Ninh Thuận đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ đưa 25.300 MW điện gió (chủ yếu là điện gió ngoài khơi) vào Quy hoạch điện VIII; tương tự UBND tỉnh Bình Thuận cũng xin bổ sung vào quy hoạch 42.595 MW (gần 1.900 MW điện gió trên bờ, 4.400 MW điện gió gần bờ, và 21.000 điện gió ngoài khơi)

Ở khu vực phía Bắc, UBND Tp.Hải Phòng vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ đưa 3.900 MW điện gió ngoài khơi vào Quy hoạch điện VIII. Theo đề xuất của Tp.Hải Phòng, dự án điện gió ngoài khơi Hải Phòng có quy mô 3.900 MW được chia làm 3 giai đoạn vận hành từ năm 2029 đến năm 2037.

Tương tự tỉnh Nam Định xin bổ sung 12.000 MW điện gió vào quy hoạch điện VIII. Tỉnh Thanh Hóa  đề nghị bổ sung hàng loạt dự án điện vào đề án quy hoạch này do nhận thấy lợi thế 102 km bờ biển và vùng lãnh hải rộng 17.00 km2 có tiềm năng điện tạo ra 50.000 MW điện. Tỉnh Quảng Ninh xin bổ sung khoảng 5.000 MW (3.000 MW điện gió ngoài khơi, 2.000 MW điện gió trên bờ); riêng từ nay đến năm 2030, Quảng Ninh đề xuất đưa 2.500 MW (điện gió trên bờ 2.000 MW và 500 MW điện gió ngoài khơi) vào quy hoạch.

Về phía Sở Công Thương tỉnh Thái Bình cũng đề nghị Bộ Công thương đưa 3 dự án điện gió trên bờ và ngoài khơi ở tỉnh này với công suất 8.700 MW vào Quy hoạch Điện VIII gồm: khu vực giáp khu du lịch Cồn Đen (Thái Thụy); khu vực giáp cửa Trà Lý (Tiền Hải) với quy mô công suất dự kiến khoảng 700 MW; dự án điện gió ngoài khơi tỉnh Thái Bình với tổng công suất khoảng 5.000 MW.

Việc hàng loạt địa phương xin bổ sung các dự án năng lượng tái tạo diễn ra trong bối cảnh Bộ Công Thương đang phải hoàn thiện lại quy hoạch điện VIII, cập nhật những cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo trong khuôn khổ Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) rằng Việt Nam sẽ giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Theo các chuyên gia, dù Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn và có thể phát triển thành trung tâm điện gió ngoài khơi song việc hàng loạt địa phương đua nhau xin bổ sung lượng lớn công suất nguồn đặt điện gió, điện khí LNG cũng đồng thời đặt ra nhiều vấn đề, nhất là khi bài học nhãn tiền về phát triển “nóng” điện mặt trời vẫn còn nguyên giá trị.

Ông Nguyễn Văn Vy – Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết hiện con số xin bổ sung quy hoạch của các địa phương đã cao gấp gần 3 lần kịch bản Bộ Công Thương đưa ra tại phương án tính toán dự thảo quy hoạch điện VIII hồi tháng 11. Cụ thể lượng công suất điện gió ngoài khơi mà các địa phương xin bổ sung vượt xa con số trong kịch bản của Bộ Công Thương là 4.000 MW vào năm 2030; 10.000 MW vào 2035, rồi tăng lên 23.000 MW vào 2040 và đạt 36.000 MW vào năm 2045.

Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, việc tính toán cân đối nguồn của quy hoạch chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nếu bổ sung một lượng lớn nguồn điện gió, điện khí vào quy hoạch theo đề xuất của các địa phương. Khác với các loại hàng hoá khác, việc bổ sung quy hoạch điện không thể ồ ạt mà Bộ Công Thương cần phải cân đối, tính toán sẽ cần bao nhiêu, cần ở đâu để thẩm định, phê duyệt phù hợp. “Chưa kể việc các địa phương đua nhau đề nghị bổ sung lượng lớn nguồn điện tái tạo này vào quy hoạch cũng sẽ tiềm ẩn rủi ro cả phía đầu tư, cân đối an toàn hệ thống và lưới truyền tải điện. Dự án vào quá nhiều, ồ ạt trong khi lưới truyền tải không đáp ứng, các dự án lại đối diện việc bị cắt giảm công suất. Trong khi đó chính sách cho điện gió sau ngày 30/10/2010 vẫn chưa được Bộ Công Thương đưa ra rõ ràng nên việc phát triển “nóng” sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, nếu không có sự kiểm soát tốt dễ dẫn tới một cuộc bùng nổ phát triển như điện mặt trời năm nào” – ông Vy cảnh báo.

Trước đó tại Tọa đàm “Đầu tư điện gió trong bối cảnh mới”, ông Nguyễn Anh Tuấn – nguyên Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cũng đã lưu ý mặc dù tiềm năng tăng trưởng năng lượng mặt trời lớn hơn điện gió rất nhiều nhưng tốc độ phát triển lại hạn chế hơn điện gió. Điện mặt trời thường có quy mô nhỏ khó có khả năng phát điện liên tục, sản lượng cao vào ban ngày, giữa ban ngày có thể gây quá tải lưới điện. Điện gió có những ưu điểm hơn nhưng lại yêu cầu tính phức tạp hơn rất nhiều về kỹ thuật; một dự án phải mất 2 năm thi công trong khi điện mặt trời chỉ mất hơn nửa năm. Đặc biệt, điện gió ngoài khơi còn phức tạp và đòi hỏi kỹ thuật hơn nhiều.

Một rủi ro khác là quá ít các nhà cung cấp thiết bị, để giảm giá thành cần vốn đầu tư rất lớn, các nhà đầu tư thường gặp khó ở vấn đề này. Ngoài ra Việt Nam cũng chưa có kinh nghiệm phát triển điện gió ngoài khơi, tỷ lệ nội địa hoá thấp; hình thức bây giờ vẫn gần như chỉ là nhập toàn bộ và lắp đặt. “Do đó việc lựa chọn con đường phát triển cho điện gió cần cơ chế chính sách, đặc biệt là cơ chế chia sẻ rủi ro. Hiện toàn bộ rủi ro cho phát triển đang nằm trên vai chủ đầu tư” – ông Tuấn nhấn mạnh.

Huy Thông