Nhiều cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Hồng Kông

Sau khi Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Hồng Kông (AHKFTA) bắt đầu có hiệu lực, dòng vốn đầu tư của Hồng Kông bắt đầu có xu hướng “chảy” mạnh vào Việt Nam.

Phó Chủ tịch VCCI Đoàn Duy Khương và Phó Trưởng ban kinh tế Văn phòng liên lạc của Chính phủ nhân dân Trung ương thường trú tại đặc khu Hồng Kông  (Trung Quốc) Lưu Á Quân.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại đang diễn ra, các doanh nghiệp tại khu vực châu Á, trong đó có Hồng Kông (Trung Quốc) đang tìm kiếm mở rộng cơ hội đầu tư tại Đông Nam Á. Nhờ quan hệ hợp tác song phương giữa Hồng Kông và Việt Nam phát triển ổn định trong những năm qua, Hiệp định AHKFTA hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội hợp tác hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Hồng Kông.

Nhận định về tiềm năng hợp tác, theo ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong những năm qua, Hồng Kông và Việt Nam đã xây dựng mối quan hệ thương mại song phương mạnh mẽ, đặc biệt trong các lĩnh vực sản phẩm và dịch vụ.

Thông qua việc hợp tác giữa các doanh nghiệp, Việt Nam và Hồng Kông sẽ bổ sung cho nhau trong lĩnh vực thương mại. Cụ thể, Việt Nam có nhiều sản phẩm xuất khẩu như hàng may mặc, điện tử, nông sản – thực phẩm, đồ thủ công… trong khi đó Hồng Kông được biết đến là một trong những trung tâm giao thương sôi động nhất ở khu vực Châu Á nói riêng, toàn cầu nói chung.

Đồng thời, dựa trên các lợi thế kinh doanh sẵn có của mình, các doanh nghiệp Hồng Kông luôn cập nhật các thông tin mới nhất về thị trường và củng cố các mối quan hệ đối tác nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh.

Phó Chủ tịch VCCI tin tưởng, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm cũng như tiếp cận được với thị trường Hồng Kông và các đối tác của Hồng Kông nhằm giới thiệu sản phẩm, thiết lập các quan hệ hợp tác thương mại và hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa.

Ông Lưu Á Quân, Phó Trưởng Ban kinh tế Văn phòng liên lạc của Chính phủ nhân dân Trung ương thường trú tại đặc khu Hồng Kông cho rằng, hiện các sản phẩm trao đổi thương mại chủ yếu giữa Việt Nam – Hồng Kông (Trung Quốc) hiện nay là thiết bị và linh kiện viễn thông, vật liệu bán dẫn, ống điện tử, nguyên phụ liệu dệt may.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, các doanh nghiệp Hồng Kông mong muốn được mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực khác như văn hóa, du lịch, dịch vụ tài chính, công nghệ… Ông Quân nhận định, Việt Nam có tiềm năng phát triển du lịch lớn với nhiều phong cảnh đẹp và nhiều cảng biển. Đây là nền tảng để hai bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực du lịch.

Đồng tình với ý kiến của Phó Chủ tịch VCCI, ông Quân cho biết, Hồng Kông cũng là nơi thu hút rất nhiều nhà thu mua, phân phối lớn trên thế giới đến đặt trụ sở, văn phòng đại diện nhằm tìm kiếm khách hàng thông qua các phiên giao dịch hàng hóa, hội chợ, triển lãm quy mô lớn được tổ chức thường xuyên, tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và tham gia vào chuỗi cung ứng trong khu vực.

“Những cơ hội hợp tác đẹp vẫn còn ở trước mặt và doanh nghiệp hai bên vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển mối quan hệ đối tác này”, ông Quân khẳng định và đề nghị, VCCI tiếp tục phối hợp với các tổ chức doanh nghiệp tại Hồng Kông xây dựng các chương trình hợp tác, hội thảo, xúc tiến tìm hiểu thị trường để thúc đẩy kết nối chặt chẽ hơn nữa.

Trong 5 tháng đầu năm 2019, Hồng Kông đứng đầu trong số các nền kinh tế đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt 5,08 tỉ USD, chiếm khoảng 30,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Theo đó, lượng vốn nhà đầu tư Hồng Kông chủ yếu tập trung vào việc mua bán, góp vốn mua cổ phần doanh nghiệp Việt với gần 4,1 tỷ USD, ttrong 106 lượt dự án. Trong số 7 dự án lớn đầu tư vào Việt Nam 8 tháng qua, Hồng Kông, Trung Quốc chiếm nhiều nhất với 5 dự án với số vốn thấp nhất là 200 triệu USD, cao nhất là 3,85 tỷ USD.

Cẩm Duyên