Ngỡ sắp phục hồi, ngành du lịch – khách sạn tiếp tục “chìm” trong đợt dịch mới
Ngỡ tưởng dịp Tết – mùa cao điểm du lịch nội địa sẽ là cơ hội để phục hồi tăng trưởng song một lần nữa các doanh nghiệp du lịch – khách sạn lại rơi vào cảnh chới với khi đợt dịch mới bùng phát, hàng loạt khách hàng đồng loạt hủy tổ chức sự kiện, hủy tour Tết…
Theo Savills Hotels, hy vọng phục hồi mong manh của thị trường du lịch khách sạn vừa le lói đã bị dập tắt khi dịch bệnh tái bùng phát. Nhiều chuyến bay bị hủy bỏ, một số khu vực phải thực hiện giãn cách xã hội ảnh hưởng không nhỏ đến ngành du lịch nói chung – ngành dịch vụ khách sạn nói riêng
Trưa 28/1/2021, Việt Nam ghi nhận 82 ca nhiễm Covid-19 tại Hải Dương và Quảng Ninh, cùng liên tiếp các ca nhiễm những ngày sau đó. Theo đánh giá của Giám đốc Savills Hotels – ông Mauro Gasparotti, sự bùng phát dịch bệnh tại 2 tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh lại một lần nữa chĩa “mũi tên” vào ngành du lịch cả nước. Ngay khi những ca nhiễm bệnh đầu tiên được công bố, hệ thống kiểm soát phòng chống dịch bệnh đã được kích hoạt bao gồm các hạn chế tối đa việc đi lại không cần thiết, hạn chế tụ tập đông người và thực hiện các biện pháp giãn cách an toàn.
Sau khi phát hiện 10 trường hợp nhân viên an ninh dương tính với Covid-19, Sân bay quốc tế Vân Đồn đã thông báo ngừng hoạt động đến ngày 13/2. Tp.Hà Nội cũng đã hủy bỏ một số sự kiện, lễ hội chào mừng Tết Nguyên Đán 2021. Về phía Tp.HCM, sau ca lây nhiễm liên quan đến ổ dịch tại Hải Dương, “đầu tàu” kinh tế của cả nước cũng đã nhanh chóng nâng cao cảnh báo.
Theo ông Mauro Gasparotti, không chỉ ảnh hưởng ở nơi bùng phát dịch mà dịch bệnh còn tác động từ mọi nơi cần tiếp cận bằng đường hàng không. Thống kê của một đơn vị vận tải hàng không cho thấy ngay khi những ca bệnh đầu tiên được công bố, số lượng khách vận chuyển đã giảm 15% so với tuần trước đó. Còn theo dữ liệu từ OTA Insight, kể từ khi thông tin dịch bệnh được công bố, nhu cầu tìm kiếm chuyến bay đến Đà Nẵng trong dịp Tết đã giảm 35%, đến Tp.HCM giảm 34% so với tuần trước. Tương tự số lượng khách phục vụ trung bình trong một ngày tại Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên Đán 2021 ước tính cũng giảm 26,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lo ngại trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, một số công ty đã yêu cầu nhân viên hạn chế đi lại cũng như tham dự các sự kiện, hội nghị; một số hội nghị cũng đã bị hủy hoặc dời ngày tổ chức. Tình hình này đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh MICE của các khách sạn khi giai đoạn này vốn dĩ là mùa cao điểm từ nhu cầu tổ chức sự kiện và hội nghị.
Theo ông Mauro Gasparotti, sau hai đợt bùng phát dịch trước đó thì sự cố lây nhiễm trong cộng đồng những ngày qua đã cho thấy tác động dai dẳng của dịch bệnh lên ngành du lịch nghỉ dưỡng. Mặc dù các doanh nghiệp lữ hành và lưu trú đã có kinh nghiệm ứng phó với dịch bệnh song đợt bùng phát dịch lần này lại diễn ra ngay thời điểm cận Tết đã tác động trực tiếp đến tâm lý khách du lịch, từ đó gây khó khăn cho các doanh nghiệp. “Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam vẫn nêu cao tinh thần chủ động, tích cực trong công tác phòng chống dịch, khoanh vùng và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh; đồng thời đôn đốc nghiên cứu hoàn thiện vaccine sản xuất trong nước gắn với đẩy nhanh tiến độ đàm phán với các quốc gia khác để nhập khẩu vaccine. Những nỗ lực vượt bậc này mang đến cho người dân cảm giác yên tâm, từ đó tạo động lực thúc đẩy các hoạt động kinh doanh và du lịch sôi động trở lại. Đây cũng chính là nền tảng vững chắc để hỗ trợ sự hồi phục ngành du lịch Việt Nam vốn đang rất khó khăn hiện nay” – Giám đốc Savills Hotels nhấn mạnh.
Hùng Anh