Nghị quyết Trung ương 10: Cởi trói cho kinh tế tư nhân phát triển

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương số 10-NQ/TW “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, cộng đồng doanh nghiệp đã có bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp nhiều giá trị thặng dư vào nền kinh tế nước nhà.

Vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, tính đúng đắn của Nghị quyết 10 NQ/TW đã thể hiện là một “Nghị quyết khai sáng” cho khối kinh tế tư nhân, có tư cách pháp lý rõ ràng ngang bằng với các khối kinh tế quốc doanh xương sống khác. Điểm dễ nhận thấy nhất chính là tinh thần khởi nghiệp lan tỏa mạnh mẽ rộng rãi trong xã hội và sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tư nhân trong một số lĩnh vực như xây dựng, chế biến, chế tạo, công nghiệp ô tô, vận tải hàng không, tài chính, ngân hàng…góp phần làm nên những thương hiệu quốc gia Việt Nam đầy nội lực và tiềm năng lớn. Theo thống kê, hiện có đến hơn 3.000 công ty khởi nghiệp sáng tạo (startup) đang hoạt động, trong đó có nhiều doanh nghiệp thành công.

Thời gian qua, kinh tế tư nhân cũng được ghi nhận có đóng góp lớn trong GDP và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam phát triển nhanh. Theo đó, khu vực này đóng góp trên 40% GDP của nền kinh tế, 30% ngân sách nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động và có dấu hiệu tăng lên nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đến năm 2018, ước tính kinh tế tư nhân đóng góp 42,1% GDP của nền kinh tế và có dấu hiệu tăng lên trong thời gian tới.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, đã đến lúc có thể nói khu vực tư nhân không chỉ bao gồm gói gọn trong 700.000 doanh nghiệp mà còn bao gồm cả khu vực kinh tế hộ gia đình, kinh tế cá thể và doanh nghiệp FDI, như vậy con số kinh tế tư nhân đã chiếm đến 61% GDP chứ không phải là con số 10% khiêm tốn như cách tính trước đây. Đồng thời, nếu nói khu vực kinh tế tư nhân theo nghĩa rộng như vậy thì khu vực kinh tế tư nhân đang đóng vai trò quan trọng, chủ lực của nền kinh tế Việt Nam.

Phản ứng chính sách nhanh để thúc kinh tế tư nhân phát triển

Theo Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) – ông Phan Đức Hiếu, Việt Nam cần phải có sự phản ứng chính sách nhanh hơn nữa từ phía Chính phủ để giúp cộng đồng doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn. Đơn cử như việc Chính phủ thường mất 1 -2 năm để xử lý một vấn đề. Và đây là câu chuyện nhãn tiền đang loay hoay tìm hướng đi chiến lược nào trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Thực tế, các doanh nghiệp tư nhân đang phải vật lộn cạnh tranh rất nhiều, thậm chí gặp phải khá nhiều cản trở khó khăn trong các hoạt động kinh doanh, đổi mới sáng tạo của mình. Ví dụ điển hình là việc chính sách chưa bắt kịp sự phát triển của của các loại hình dịch vụ vận tải mới thời 4.0 như Grap, Goviet, Be…Trong khi thực tế, sức đóng góp, dịch vụ hậu mãi tốt, giá thành cạnh tranh của các loại hình vận tải mới trên đã giúp người dùng Việt hưởng lợi rất nhiều, giảm chi phí, thời gian…Do đó, thay vì phản ứng chính sách đến 1 – 2 năm, Việt Nam cần dần tiến tới phản ứng chính sách từ 3 đến 6 tháng.

“Bài học này trên thế giới đã làm nhiều, thậm chí nhiều quốc gia đang thay đổi cơ chế, biện pháp quản lý kinh tế, không chỉ nhấn mạnh đến cải cách mà còn tăng khả năng phản ứng chính sách”, ông Phan Đức Hiếu nói.

Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, các cơ quan chức năng cần có giải pháp sớm tháo gỡ rào cản về vốn cho doanh nghiệp. Bởi trên thực tế, hiện có không ít các DN nhỏ và vừa khi ký kết hợp đồng tín dụng thường phải đưa tài sản thế chấp đảm bảo khoản vay, thậm chí chủ DN còn phải đưa tài sản của gia đình, của vợ con ra thế chấp. Do đó, các DN rất cần ngân hàng làm sao để nâng hoạt động cho vay tín chấp, xét trên các yếu tố của hoạt động DN như dòng tiền, dự án…Ngân hàng không nên nhất nhất yêu cầu DN nhỏ và vừa phải có thế chấp, mà cần thay đổi để có cơ chế thoáng hơn. Bởi thực tế việc được vay tín chấp đối với DN nhỏ và vừa hiện tại đang quá khó, trong khi đó họ lại là nhóm DN yếu về tài sản, về thủ tục hành chính, rất cần được hỗ trợ.

Để vực dậy nền kinh tế tư nhân phát triển, theo ông Lộc, Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua đã có có rất nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và có những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, trong tương quan so sánh với khu vực và thế giới thì môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam còn khá nhiều bất cập, vẫn chưa thật sự thuận tiện, thiếu tính an toàn, thủ tục hành chính vẫn còn gây phiền hà, chi phí chính thức và không chính thức vẫn còn rất lớn. Việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh còn mang tính hình thức, đối phó. Điều này đã và đang làm cản trở những nỗ lực cải cách chính sách sâu rộng của Chính phủ Việt Nam. Do đó, thời gian tới, VCCI sẽ tập trung làm tốt hơn nữa nhiệm vụ được Nhà nước, Chính phủ giao là cầu nối, tiếng nói trung thực, khách quan phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam lên Đảng, Chính phủ kịp thời xóa bỏ loại trừ, căn chỉnh lại những quy định, điều khoản, luật gây bất lợi, cản trở hoạt đông kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.

Minh Vương