Ngành tôm thế giới chật vật phục hồi hậu Covid – 19

Với mục tiêu phòng chống dịch Covid – 19, lệnh phong tỏa quốc gia đã được các nước ban hành gây tác động nghiêm trọng tới ngành dịch vụ thực phẩm. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá tôm giảm mạnh ở hầu hết các khu vực sản xuất tôm lớn trên thế giới

Ông Gorjan Nikolik – Chuyên gia phân tích của Rabobank cho biết so với các loài thủy sản khác, ngành tôm thu được nguồn lợi nhuận đáng kể từ lĩnh vực dịch vụ thực phẩm; trong khi lĩnh vực này ở Mỹ và EU đang có sự sụt giảm nghiêm trọng do tác động của dịch Covid-19. Phải mất một thời gian nữa ngành tôm mới có thể phục hồi tăng trưởng như trước đây.

Theo Nikolik, mặc dù nguồn cung đang có dấu hiệu hồi phục song để đạt được mức tăng trưởng như trước đây đòi hỏi phải mất rất nhiều thời gian. Và nếu nguồn cung đạt bằng mức trước khi dịch Covid diễn ra, giá tôm dự báo vẫn sẽ ở mức thấp. Một khảo sát được Civic Science thực hiện vào tháng 4/2020 tại Mỹ cho thấy có đến 41% số người được khảo sát cho biết phải 1 đến 5 tháng nữa họ mới nghĩ tới chuyện đi ăn ở nhà hàng.

Tại Ấn Độ, sau khi người nuôi vội vã thu hoạch trước lệnh phong tỏa cả nước hôm 22/3/2020 thì ở thời điểm hiện tại, mọi chuyện đang  dần trở lại quỹ đạo bình thường. Ông Manoj Sharma – Giám đốc Công ty nuôi tôm Mayank Aquaculture (bang Gujarat, miền Tây Ấn Độ) cho biết lệnh phong tỏa đã tác động tiêu cực tới ngành nuôi tôm Ấn Độ. Mùa nuôi chính bắt đầu trong tháng 3, tuy nhiên do lệnh phong tỏa nên có đến 4-5 tỷ con tôm giống ở quốc gia này phải bỏ đi vì không có người mua.

Dự báo trong tháng 6/2020 sẽ có khoảng 70-80% người nuôi ở Andhra Pradesh – trung tâm nuôi tôm chính ở Ấn Độ sẽ thả nuôi trở lại và sản lượng tôm cả năm dự kiến sẽ đạt 60-70% so với năm 2019 (tương đương 500.000 tấn). “Nếu Ấn Độ đạt sản lượng 500.000 tấn, thị trường có nguy cơ dư cung. Với Indonesia, tôi không nghĩ nước này sẽ giảm sản lượng bởi sau khi thu hoạch tôm nhanh trước lễ Ramadan, vệ sinh ao trước lễ hội Eid, người nuôi Indonesia sẽ thả giống trở lại và sản lượng sẽ quay trở lại bình thường. Do giá tôm thương phẩm giảm mạnh, người nuôi không mặn mà thả nuôi nên sản lượng tôm của Thái Lan có thể giảm từ 300.000 tấn xuống còn 250.000 tấn. Riêng tại Việt Nam, giá tôm đã phục hồi, thị trường Trung Quốc đã tái khởi động nên hoạt động thả nuôi vẫn sẽ diễn ra như mọi năm” – ông Manoj Sharma nhận định.

Còn theo ông Fatima Ferdouse – Tư vấn viên của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc, nếu sản lượng tôm năm 2020 tương đương hoặc giảm 20-30% so với năm ngoái thì sẽ cân bằng với mức sụt giảm nhu cầu từ lĩnh vực dịch vụ thực phẩm. “Nếu sản lượng phục hồi 20%, tôi không biết liệu nhu cầu từ lĩnh vực bán lẻ có bù đắp được sự chênh lệch này hay không” – ông Fatima Ferdouse cho hay.

Tại Ecuador, sản lượng tôm của vẫn tăng trưởng hai con số. Tuy nhiên hoạt động nuôi tôm ở quốc gia này đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid – 19, nhất là ở tỉnh Guayaquil và Guayas – hai địa phương chiếm tới 80% tổng lượng tôm của Ecuador và chiếm 95% tổng công suất chế biến của nước này. Hiện tại các nhà máy chế biến tại Ecuador đã đi vào hoạt động đạt 80-90% công suất so với bình thường.

Theo dự đoán của ông Jose Antonio Camposano – Giám đốc điều hành Phòng Nuôi trồng Thủy sản Quốc gia Ecuador, từ đây đến cuối năm 2020 ngành tôm Ecuador sẽ phục hồi với tốc độ rất chậm. Còn nếu tình hình tiến triển khả quan thì kim ngạch xuất khẩu tôm năm nay cũng chỉ đạt tương đương với năm ngoái. Hiện tại Ecuador đang dồn lực khôi phục xuất khẩu tại Mỹ và EU; dĩ nhiên tăng trưởng xuất khẩu ở hai thị trường lớn này sẽ không thể bằng tốc độ của 10 năm vừa qua.

Mai Quỳnh