Ngành thiết bị gia dụng Trung Quốc chìm trong “cơn khát” chip điện tử

Kể từ mùa hè 2020, tình trạng thiếu hụt chip điện tử đã lan rộng trên toàn cầu khiến hoạt động sản xuất của các hãng ôtô như Tesla, các hãng máy chơi game PlayStation 5 của Sony bị gián đoạn. Với tốc độ như vũ bão, hiện “cơn khát” chíp đã lan sang lĩnh vực thiết bị gia dụng của Trung Quốc khiến các “ông lớn” điện tử nước này đứng ngồi không yên.

Midea – nhà sản xuất thiết bị tiêu dùng lớn nhất thế giới cho biết ngành thiết bị gia dụng đang trong cơn thiếu hụt trầm trọng nguồn cung chip. Do độ tinh vi kém hơn nên từ trước đến nay giá chip dùng cho thiết bị gia dụng thường rẻ hơn so với chip dùng trong điện thoại thông minh và máy tính xách tay. Tuy nhiên nếu tình trạng khan hiếm chíp trên toàn cầu kéo dài thì thời gian tới giá chip gia dụng cũng sẽ tăng lên đáng kể.

Hoạt động sản xuất của ngành thiết bị gia dụng Trung Quốc bị gián đoạn được dự báo sẽ gây tác động tiêu cực đến thị trường toàn cầu. Thống kê của Hiệp hội thiết bị điện gia dụng Trung Quốc cho thấy khoảng 2/3 số máy điều hòa không khí, TV, lò vi sóng và khoảng ½ số tủ lạnh, máy giặt trên thế giới có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Dù ở thời điểm hiện tại chưa xác định được mức độ thiệt hại do tình trạng thiếu chip gây ra trong lĩnh vực thiết bị gia dụng của Trung Quốc song nhiều khả năng các nhà sản xuất nước này sẽ phải thay đổi kế hoạch để thích ứng với các tình huống chi phí sản xuất tăng hoặc nguồn cung giảm. Lấy lý do giá các linh kiện chính tăng cao hơn, mới đây Xiaomi đã thực hiện tăng giá một số mẫu TV. Tương tự Samsung, Sony cũng đồng loạt tăng giá bán một số sản phẩm.

Ông Stewart Randall – Người đứng đầu mảng điện tử và phần mềm nhúng tại Công ty tư vấn phát triển kinh doanh quốc tế Intralink cho biết tình trạng thiếu hụt nguốn cung chip trên toàn cầu không chỉ ảnh hưởng đến chip cao cấp mà còn tác động lên cả chip gia dụng. Chính vì vậy việc đảm bảo cung cấp đủ chip cũng trở thành thách thức lớn đối với các nhà sản xuất thiết bị điện.

Còn theo Chủ tịch kiêm CEO hãng sản xuất thiết bị gia dụng Whirlpool (Trung Quốc) Jason Ai, trong tháng 3 lượng chip hãng này nhận được thiếu 10% so với đơn đặt hàng. Do không đủ lượng bộ vi điều khiển (microcontroller) để sản xuất, hãng điện gia dụng Hangzhou Robam Appliances cũng buộc phải lùi ngày ra mắt dòng bếp thông hơi cao cấp sang cuối tháng 4 này.

Theo các chuyên gia, nguồn cung chip cạn kiệt sẽ gây tác động tiêu cực lên lĩnh vực thiết bị gia dụng của Trung Quốc trong nhiều tháng tới, thậm chí là nhiều năm tới. Ông Ivan Platonov – Nhà phân tích tại Công ty nghiên cứu EqualOcean dưa ra dự báo rằng tình trạng khan hiếm mặt hàng này sẽ tiếp diễn đến năm 2022; kéo theo là những thiệt hại khôn lường cho các nhà sản xuất điện gia dụng bởi ngành này vốn đã trong trạng thái bão hòa và hoạt động với tỷ suất lợi nhuận rất thấp trong nhiều năm qua

Kể từ năm 2019, tình trạng thiếu hụt chip đã diễn ra và ngày càng trở nên tồi tệ. Sở dĩ tình trạng khan hiếm chíp kéo dài là do công suất sản xuất toàn cầu có giới hạn. Bị hấp dẫn bởi lợi nhuận cao hơn, các nhà sản xuất chip đã dần chuyển sang sản xuất các con chip hiện đại và đây là nguyên nhân dẫn đến nguồn cung hạn hẹp ở các loại chip sản xuất trên tiêu chuẩn tấm bán dẫn silicon (silicon wafer) cũ hơn, chẳng hạn như loại 200 milimet.

Đại diện Midea lạc quan cho biết hiện tại hoạt động của hãng vẫn rất ổn định nhờ vào thỏa thuận lâu dài với các nhà cung cấp. Hơn nữa Midea còn có công ty con riêng về chip được thành lập năm 2018 với tên gọi MR Semiconductor. Đây chính là các yếu tố quan trọng giúp hãng ổn định được nguồn cung linh kiện trong lâu dài, bao gồm cả vi điều khiển và chip quản lý điện năng.

Ông Ivan Platonov cho biết mảng chip riêng của Midea đang giúp hãng này bù đắp phần nào tác động của việc thắt chặt nguồn cung hiện tại. Hiện nay hầu hết các thiết bị vi điện tử mà Midea sử dụng đều có thể được sản xuất ngay tại Trung Quốc đại lục.

Việt Anh