Ngành nhựa, cao su tìm hướng phát triển bền vững

Ngành nhựa và cao su Việt Nam là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn với mức tăng trưởng bình quân 12 – 15%/năm, chiếm tỷ trọng khoảng 6,7% GDP cả nước. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, việc Việt Nam ký kết hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mang đến cơ hội lớn chưa từng có cho các doanh nghiệp trong ngành.

Nhựa là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam

Tiềm năng rộng mở

Trong hơn một thập kỷ qua, ngành sản xuất chất dẻo tại khu vực phía Bắc đã khẳng định vị trí quan trọng của mình trong nền công nghiệp Việt Nam, đặt ra nhu cầu mở mang cơ hội giao thương, tìm kiếm đối tác và bắt nhịp với những xu hướng mới nhất trong ngành nhựa Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung của các doanh nghiệp nhựa.

Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, mặc dù mới đánh dấu sự phát triển nhưng sản phẩm nhựa của Việt Nam hiện nay đã có mặt tại hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như: Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, EU, Mỹ… 8 tháng năm 2019, tổng sản lượng nhựa xuất khẩu Việt Nam đạt 2.528 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2018. Riêng tháng 9/2019, sản phẩm nhựa xuất khẩu đạt 280 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp nhựa, việc Việt Nam ký kết các FTA đã mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm từ nhựa. Các đối tác đang chuyển dần đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam để tận dụng chi phí sản xuất rẻ và thuế xuất khẩu được hưởng nhiều ưu đãi. Đồng thời nhu cầu nhập khẩu sản phẩm nhựa tại thị trường các nước EU, Nhật Bản vẫn ở mức cao, trong khi đó khách hàng tại các quốc gia này ngày càng ưa thích sản phẩm nhựa Việt Nam.

Tương tự như ngành nhựa, ngành cao su Việt Nam cũng phát triển theo hướng bền vững. Những năm gần đây, sản xuất và xuất khẩu cao su trong nước đã đạt tốc độ phát triển nhanh chóng. Đến nay cao su Việt Nam đã xuất khẩu sang 45 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan… trong đó Trung Quốc vẫn là thị trường số một của Việt Nam trong lĩnh vực này. Năm 2018, cao su thiên nhiên là mặt hàng nông sản lớn thứ 5 về giá trị xuất khẩu của Việt Nam, sau gạo, cà phê, hạt điều, trái cây và rau quả.

Các sản phẩm cao su của Việt Nam như lốp xe, linh kiện và cao su kỹ thuật, đế giày, găng tay và các sản phẩm may mặc bằng cao su, săm xe, tấm cao su, chỉ thun có bọc vật liệu dệt, băng tải, nệm gối, dụng cụ thể thao cao su, sản phẩm y tế… được xuất khẩu qua các thị trường lớn, nổi tiếng khắc khe về mặt chất lượng (Hoa Kỳ, Bỉ, Đức, Brazil, Nhật Bản…) cũng phần nào cho thấy triển vọng và tiềm năng tăng trưởng rất lớn của ngành cao su Việt Nam trong những năm tới.

 

Phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn

Không thể phủ nhận vai trò, tầm quan trọng của ngành nhựa và cao su trong nền kinh tế Việt Nam khi chiếm tỷ trọng khoảng 6,7% GDP cả nước. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang đối mặt với “ô nhiễm trắng” khi lượng tiêu thụ nhựa xếp thứ 3 tại khu vực ASEAN và thuộc hàng cao nhất thế giới.

Trong bối cảnh đó, từ ngày 27 – 29/11/2019, tại Hà Nội sẽ diễn ra Triển lãm quốc tế về Công nghệ, Nguyên phụ liệu và Thiết bị máy móc ngành nhựa và cao su Việt Nam. Với sự góp mặt của 200 doanh nghiệp nhựa và cao su đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, Triển lãm hứa hẹn sẽ mang lại những sản phẩm, thiết bị và các giải pháp công nghệ mới nhất; giúp doanh nghiệp ngành nhựa và cao su tại Việt Nam có thể tiếp cận phương pháp tái chế hiệu quả nhất.

Theo chia sẻ của ông Huỳnh Hữu Hải Bình – Giám đốc điều hành Revival Waste – một trong những đơn vị tham gia Triển lãm quốc tế về Công nghệ, Nguyên phụ liệu và Thiết bị máy móc ngành nhựa và cao su Việt Nam, Việt Nam đang chứng kiến sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp máy móc, thiết bị, nguyên liệu cho ngành nhựa và cao su. Thông qua Triển lãm, các nhà triển lãm nước ngoài có cơ hội tiếp cận với những doanh nghiệp sản xuất trong và ngoài nước để cung cấp máy móc, thiết bị hoặc tìm nhà phân phối tại Việt Nam.

Cũng theo ông Bình, dự báo trong thời gian tới lượng tiêu thụ nhựa cũng như rác thải từ nhựa tiếp tục gia tăng. Trong bối cảnh đó, mô hình kinh tế tuần hoàn đã được khởi động, đặt ra mục tiêu tái tạo tài nguyên theo vòng khép kín tránh tạo ra phế thải, mang lại những giá trị về mặt xã hội và môi trường. Về phía ngành nhựa và cao su cần có một bước tiến mới trong việc cải tiến công nghệ, phương pháp sản xuất, đảm bảo sản phẩm từ nhựa có thể tối ưu hóa khả năng tái chế cũng như kích thích việc sử dụng nhựa tái chế.

Ngọc Hạnh