Ngành công nghiệp thực phẩm: Chủ động vượt khó, nắm bắt cơ hội
Những năm qua ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam đã gặt hái được những thành tựu quan trọng, đóng góp thiết thực vào tăng trưởng kinh tế của đất nước. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại khi dịch bệnh Covid – 19 diễn biến hết sức phức tạp, ngành hàng này cũng đang đối mặt với không ít khó khăn đòi hỏi các doanh nghiệp phải tái cơ cấu gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh, tự tin gặt hái thành công tại thị trường nội địa và vươn ra quốc tế…
Nhiều dư địa phát triển
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), công nghiệp thực phẩm là một trong những ngành có rất nhiều tiềm năng và dư địa phát triển với giá trị sản xuất chiếm tỷ trọng hơn 20% – cao nhất trong các nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam. Hoạt động của ngành giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo nhu cầu lương thực của người dân cũng như đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, đem về nguồn ngoại tệ cho đất nước.
Theo thời gian, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành sản xuất thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam ngày càng phát triển cả về lượng lẫn chất; trong đó đã hình thành một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn có uy tín, thương hiệu mạnh, được đầu tư thiết bị tiên tiến, công nghệ hiện đại như: Vinamilk, TH Truemilk, Nutifood, Masan, Sabeco, Habeco, Kinh Đô, Tân Hiệp Phát, Bibica, Hải Hà…Đặc biệt song hành cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, nhiều hãng thực phẩm và đồ uống nổi tiếng trên thế giới như: Cocacola, Pepsi, Heineken, Tiger, Carlsberg, Saporo, Orion, FrieslandCampina, Nestle…cũng đã tin tưởng chọn Việt Nam làm “đại bản doanh” để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần làm nên sự đa dạng và sôi động trong lĩnh vực rất giàu tiềm năng khai phá này.
Những năm gần đây, ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống Việt Nam đạt mức tăng trưởng mạnh, từng bước cung ứng nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh cao, chiếm lĩnh thị trường nội địa và gia tăng xuất khẩu. Đơn cử năm 2020, sản lượng sản xuất sữa tươi cả nước đạt trên 1,7 tỷ lít, gấp 3,27 lần sản lượng của năm 2010 và tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010-2020 đạt 12,58%/năm; tương tự sản lượng sản xuất sữa bột đạt 131.600 tấn, gấp 2,23 lần sản lượng của năm 2010 và tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010-2020 đạt 8,37%/năm; sản lượng sản xuất bia đạt 4,39 tỷ lít, gấp 1,81 lần sản lượng của năm 2010 và tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010-2020 đạt 6,13%/năm.
Tận dụng và khai thác hiệu quả mọi cơ hội
Bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (EVFTA, CPTPP, RCEP), mang lại nhiều lợi thế về thị trường cho cộng động doanh nghiệp thực phẩm trong nước. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong ngành tận dụng và khai thác hiệu quả mọi tiềm năng lợi thế sẵn có, Chính phủ, Bộ Công Thương và các ngành liên quan đã và đang tiếp tục ban hành những chính sách khuyến khích phát triển phù hợp, trong đó tập trung chủ yếu vào việc hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, bảo hộ sở hữu công nghiệp, xúc tiến thương mại, đào tạo, cung cấp thông tin về thị trường, môi trường, luật pháp kinh doanh quốc tế, ứng dụng khoa học đổi mới công nghệ…
Theo Cục Công nghiệp, để nhanh chóng nắm bắt được cơ hội, các doanh nghiệp công nghiệp thực phẩm trong nước cần chú trọng đầu tư mạnh thiết bị, công nghệ hiện đại để nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng và xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm; đồng thời phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng về an toàn thực phẩm cũng như nâng cao giá trị sản phẩm. Ngoài ra các doanh nghiệp cũng cần quy hoạch, mở rộng vùng nguyên liệu để từng bước chủ động nguồn nguyên liệu, giảm dần sự phụ thuộc vào nhập khẩu.
Về phía các doanh nghiệp tiên phong như Vinamilk, TH True Milk…, bên cạnh đẩy mạnh đầu tư các dự án trong nước cũng cần tập trung thực hiện định hướng mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Nỗ lực này một mặt góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp sữa trong nước, mặt khác lại tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp nội địa cải tiến công nghệ và quy trình sản xuất, tiến tới sản xuất những sản phẩm có chất lượng cao hơn với giá cả hợp lý, đủ sức cạnh tranh trên thị trường nội địa cũng như quốc tế.
Riêng với ngành hàng nước giải khát, Cục Công nghiệp khuyến nghị các doanh nghiệp nên dành ưu tiên cho công tác đầu tư, nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm, phát triển thêm nhiều sản phẩm mới chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng hiệu quả thị hiếu và nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Như Anh