Nền kinh tế toàn cầu và nguy cơ đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ hơn thập niên 70
Đặt trong bối cảnh nhiều năm nay ngành năng lượng không được đầu tư đúng mức; giá năng lượng từ xăng, khí đốt cho đến than đá đều tăng chóng mặt thì cuộc chiến Nga – Ukraine sẽ đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng còn tồi tệ hơn cả khủng hoảng dầu thập niên 70
Tuy nhiên theo các quan chức ngành năng lượng, khủng hoảng lần này không giới hạn ở dầu thô như những lần trước mà thế giới đang phải đối mặt với khủng hoảng dầu, khí và điện cùng một lúc. “Cuộc khủng hoảng năng lượng lần này tồi tệ hơn nhiều so với thập niên 70, 80 và có lẽ nó cũng sẽ kéo dài hơn. Mặc dù ở thời điểm hiện tại kinh tế toàn cầu vẫn còn trụ vững trước đà tăng của giá năng lượng song giá có thể tiếp tục tăng lên khi châu Âu triển khai chiến lược giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung dầu khí từ Nga”, ông Fatih Birol – Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định trong một cuộc phỏng vấn trên Der Spiegel.
Đồng quan điểm, ông Joe McMonigle – Tổng thư ký Diễn đàn Năng lượng Quốc tế (IEF) cho rằng nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng và yêu cầu đặt ra lúc này là các nhà hoạch định chính sách cần có những hành động can thiệp kịp thời. “Đây thực sự là một cơn bão và điều quan trọng là ảnh hưởng của cơn bão này đến đầu tư, tiêu dùng, chuỗi cung ứng… có thể gây ra nhiều hậu quả vượt tầm kiểm soát, đe dọa đến sự phục hồi của nền kinh tế hậu Covid-19, thổi bùng lạm phát, gây bất ổn xã hội và hủy hoại những nỗ lực chống biến đổi khí hậu” – Tổng thư ký IEF khẳng định.
Ông Fatih Birol cũng lên tiếng cảnh báo về sự sụt giảm của nguồn cung xăng và dầu diesel, nhất là tại khu vực châu Âu trong mùa đông giá lạnh sắp tới. Không chỉ giá năng lượng tăng cao, độ ổn định của hệ thống điện cũng bị đe dọa bởi thời tiết cực đoan, hạn hán kéo dài và nguy cơ cao là nhiều khu vực có thể thiếu, thậm chí mất điện trong mùa hè này.
Trong một bài viết đăng tải trên Economist, Meghan O’Sullivan – cố vấn năng lượng dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama nhận định thế giới đang tiệm cận với một cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất kể từ thập niên 70. Điểm khác biệt là giá không tăng mạnh bằng thời kỳ đó và giới chức cũng không áp dụng các chính sách cực đoan như kiểm soát giá.
Để trừng phạt việc Nga tấn công quân sự Ukraine, phương Tây đã giáng đòn trực tiếp vào ngành năng lượng nước này, thể hiện qua việc Mỹ và nhiều quốc gia khác đã thông báo cấm nhập năng lượng Nga. Không chịu lép vế, xứ sở Bạch Dương cũng “ăn miếng trả miếng” bằng cách hạn chế, thậm chí ngừng cấp khí đốt cho nhiều nước châu Âu.
Mới đây EU đã công bố kế hoạch cấm nhập khẩu 90% dầu Nga và động thái này được dự báo sẽ khiến Nga điên tiết và dùng đến nhiều đòn trả đũa khác. Hành động của các nước chỉ càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt trên thị trường nhiên liệu vốn đã rất căng thẳng.
Trong năm qua giá xăng tại Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục 52%, giá khí đốt tự nhiên cũng tăng gần gấp 3 đẩy lạm phát tăng mạnh, đời sống người dân càng thêm khốn khó. Biến động năng lượng ở thời điểm hiện tại không chỉ xuất phát từ xung đột Nga – Ukraine mà đây còn là hậu quả của việc nhiều năm qua ngành dầu khí không được đầu tư đúng mức. Riêng năm 2021, đầu tư vào lĩnh vực dầu khí chỉ đạt 341 tỷ USD, giảm 23% so với 525 tỷ USD tiền đại dịch và chưa bằng nửa mức đỉnh 700 tỷ USD của năm 2014.
Ông Robert McNally – Cố vấn năng lượng dưới thời cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush cho biết kể từ năm 2021 – nghĩa là trước khi xung đột tại Ukraine nổ ra, châu Âu đã phải vật lộn với khủng hoảng năng lượng; giá khí đốt, than đá, dầu mỏ tăng mạnh và cuộc chiến Nga – Ukraine chỉ là chất xúc tác đẩy nhanh quá trình này mà thôi
Còn ông Francisco Blanch – Giám đốc Hàng hóa toàn cầu tại Bank of America lại bày tỏ lo ngại khủng hoảng nhiên liệu tại châu Âu sẽ trầm trọng hơn Mỹ bởi dù sao Mỹ cũng là một trong những nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Trong khi đó châu Âu lại phụ thuộc lớn vào nguồn khí đốt và dầu mỏ nước ngoài, nhiều nhà máy tại đây đã phải đóng cửa vì giá khí đốt tự nhiên quá cao.
Trên CNN, nhiều chuyên gia năng lượng lo ngại các nhà hoạch định chính sách đang đối phó với khủng hoảng khí hậu sai cách khi dành ưu tiên quá nhiều cho việc giảm nguồn cung mà không quan tâm đến giảm nhu cầu nhiên liệu hóa thạch. Nếu chỉ tập trung vào một phương diện sẽ kéo giá năng lượng tăng mạnh và gây ra các bất ổn xã hội. “Chúng ta phải rất cẩn thận, không để người dân hiểu rằng giá nhiên liệu tăng là do chuyển dịch năng lượng. Yêu cầu cấp thiết lúc này là các chính phủ cần phát tín hiệu đến nhà đầu tư rằng họ vẫn có thể rót tiền vào nhiên liệu hóa thạch. Ngoài ra các chính phủ cũng cần đẩy nhanh quá trình giải phóng dầu dự trữ và hành động quyết liệt hơn nữa để giảm nhu cầu dầu” – ông Joe McMonigle khuyến nghị.
Việt Anh