Giải mã nghịch lý doanh nghiệp khó khăn, thu ngân sách vẫn tăng tốt

Còn nhớ thời điểm gần hết quý III/2021, nhiều lãnh đạo địa phương bày tỏ e ngại sẽ khó hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách được giao. Thế nhưng tổng kết năm 2021, thu ngân sách vẫn vượt dự toán gần 17% khiến nhiều người không khỏi bất ngờ, nhất là trong bối cảnh năm 2021 là một năm bĩ cực của nền kinh tế, hàng loạt doanh nghiệp rơi vào cảnh khó khăn…

Đường phố TP HCM vào cuối tháng 7 năm 2021 – chuỗi ngày thành phố quá tải vì dịch bệnh, người dân được yêu cầu không ra khỏi nhà. Ảnh: Thành Nguyễn

Tuy nhiên đứng ở góc độ của người làm ngân sách, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho rằng kết quả này hoàn toàn không có gì bất thường. Thu ngân sách vượt gần 17% so với dự toán là do kế hoạch năm 2021 được xây dựng đúng vào thời điểm bùng phát dịch lần ba nên dự toán đưa ra khi đó khá thấp, theo chiều hướng thận trọng. Chưa kể để kết luận khách quan tăng thu ngân sách năm 2021 có bất thường hay không còn phải so sánh với kết quả thu của các năm trước. “Trên thực tế so sánh với năm 2020, có thể thấy thu ngân sách năm 2020 chỉ tăng 3,8% (60.600 tỷ đồng) và đây cũng là năm thu ngân sách giảm so với trước dịch. Còn nếu so với hai chỉ tiêu là GDP tăng 2,58%, CPI tăng 1,84% thì mức tăng 3,8% của thu ngân sách năm 2021 là hoàn toàn hợp lý” – Thứ trưởng Võ Thành Hưng nhấn mạnh

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, nguồn thu ngân sách năm 2021 tăng chủ yếu đến từ các ngành nghề kinh doanh thuận lợi như tài chính ngân hàng, chứng khoán, một số doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô lớn…Chưa kể trong năm qua nguồn thu dầu thô cũng tăng gần 30% nhờ giá dầu tăng mạnh. Ngoài ra các hoạt động chuyển nhượng bất động sản và chuyển nhượng dự án, mua bán chứng khoán sôi động… cũng đóng góp quan trọng vào nguồn thu ngân sách.

Thống kê cho thấy hai khoản thu đóng góp lớn nhất vào mức tăng thu ngân sách năm 2021 chính là khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh và thuế VAT hàng nhập khẩu. Trong đó khu vực ngoài quốc doanh tăng thu hơn 42.790 tỷ đồng so với năm 2020 – ghi nhận mức tăng thu cao nhất trong 5 năm trở lại đây (các năm trước dịch chỉ tăng thu dưới 30.000 tỷ đồng/năm).

Tuy nhiên chuyên gia Nguyễn Khắc Quốc Bảo đến từ Đại học Kinh Tế Tp.HCM cho rằng thu từ khu vực ngoài quốc doanh tăng mạnh vẫn là điều khó hiểu bởi năm 2021 là khoảng thời gian mà nhiều người dân, doanh nghiệp gần như tới giới hạn chịu đựng sau nhiều đợt dịch kéo dài. Trong bối cảnh đó, khu vực doanh nghiệp tăng thu cao vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp thoả đáng.

Ông Phạm Thế Anh – Trưởng Bộ môn Kinh tế Vĩ mô, Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) cho rằng nguồn thu thuế tăng một phần nhờ giá hàng hóa (gồm cả trong nước lẫn ngoài nước) tăng lên – vốn không được phản ánh vào CPI. Khi giá cả tăng thì thu thuế tính theo tỷ lệ phần trăm cũng tăng nhanh. Đơn cử năm 2021 giá xăng dầu tăng khoảng 40% nên thuế VAT thu được trên mỗi lít xăng cũng tăng theo.

Ngoài xăng dầu, trong năm qua nhiều hàng hoá khác là nguyên vật liệu cơ bản (thép, xi măng) và nguyên liệu sản xuất đầu vào quan trọng (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật)… cũng tăng giá. Việc giá hàng hóa tăng sẽ được phản ánh vào nguồn thu khu vực doanh nghiệp và thu các loại thuế nhập khẩu (cùng với kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tăng gần 27% và đạt kỷ lục trong năm 2021). Đây cũng đồng thời là hai khoản thu hiếm hoi có mức tăng cao hơn nhiều so với các năm trước dịch và đóng góp nhiều nhất vào tăng thu ngân sách nhà nước năm 2021.

Còn theo PGS-TS. Phạm Thế Anh – Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), giá hàng hoá tăng góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước nhưng xét ở một khía cạnh khác, đây lại là gánh nặng cho cả doanh nghiệp và người dân khi giá nguyên liệu đầu vào sản xuất tăng, kéo theo giá hàng hóa và lạm phát tăng.

Nhằm giảm giá hàng hóa cho người dân và đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Chính phủ cũng đã kịp thời đưa ra chính sách giảm thuế VAT 2% từ đầu tháng 2/2022 đến hết năm. “Tuy nhiên chính sách giảm VAT 2% không có nhiều ý nghĩa do mức giảm ít và dàn trải trên nhiều mặt hàng. Yêu cầu đặt ra lúc này là cần giảm thuế, phí cho những mặt hàng là nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất hay xăng dầu… đang tăng giá mạnh gần đây. Ngân sách theo đó có thể sẽ phải “co kéo” hơn nhưng đổi lại, đó là liều thuốc cần kíp để hỗ trợ nền kinh tế” – PGS-TS. Phạm Thế Anh nhấn mạnh.

Trúc Dũng