Nâng cao hiệu quả tiếp sức cho doanh nghiệp mùa dịch

Bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp tàn phá nền kinh tế, Chính phủ và các Bộ, ban ngành đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên theo ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, để phát huy hiệu quả cao nhất, các chính hỗ trợ doanh nghiệp cần được triển khai một cách chọn lọc, có trọng tâm trọng điểm và tránh dàn trải gây lãng phí nguồn lực.

Ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp và hoàn toàn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, gây tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, để tiếp sức cho doanh nghiệp thì bên cạnh việc cải cách thể chế, kiên quyết bãi bỏ những quy định rườm rà về điều kiện kinh doanh, gây lực cản cho doanh nghiệp, Chính phủ cũng cần xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực quản trị, chuyển đổi, tái cơ cấu…

Có thể thấy trong nhóm các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thì công cụ tín dụng hành chính (yêu cầu ngân hàng giảm lãi suất, khoanh giãn nợ cho doanh nghiệp…) là một trong những biện pháp giúp cải thiện dòng tiền. Tuy nhiên giải pháp này lại tiềm ẩn nhiều rủi ro cho bên cấp vốn: phát sinh nợ xấu, khó kiểm soát dòng tiền sau khi cấp cho doanh nghiệp… Chính vì vậy ông Hiếu cho rằng nên kết hợp biện pháp tín dụng hành chính với giải pháp hỗ trợ kèm theo nhằm giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị, cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn trong bối cảnh mới. Sự kết hợp này không chỉ giúp nâng cao năng lực của doanh nghiệp để hấp thụ khoản hỗ trợ tài chính mà đây còn là giải pháp hữu hiệu để phục hồi mạnh mẽ và bền vững khu vực doanh nghiệp. “Tôi cho rằng giải pháp này cần thiết ngay cả khi không có Covid-19. Sở dĩ như vậy vì các biện pháp hỗ trợ tài chính là cần thiết, nhưng về mặt dài hạn, nếu như Chính phủ không có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị thì ngay cả khi được hỗ trợ về mặt tín dụng, chưa chắc doanh nghiệp đã có khả năng hấp thụ nguồn vốn. Đó là trường hợp của những doanh nghiệp quá yếu kém, sa sút, có được cấp vốn nhiều lần cũng không có khả năng tự quản trị để hồi phục” – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định.

Cũng theo ông Hiếu, mục tiêu thực sự của tín dụng là để phục hồi, cơ cấu và phát triển doanh nghiệp. Yêu cầu đặt ra ở đây là doanh nghiệp phải có năng lực hồi phục thì tín dụng bơm vào mới được hấp thụ; chưa kể việc ngân hàng cũng là một doanh nghiệp nên họ phải đảm bảo các khoản vay của họ. Chính vì vậy các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần được triển khai một cách chọn lọc, có trọng tâm trọng điểm và tránh dàn trải gây lãng phí nguồn lực. Ngay cả trong cấp vốn cũng nên có sự đầu tư đúng đối tượng để đạt hiệu quả cao nhất.

Đối với vấn đề giảm lãi suất, ông Hiếu cho rằng giảm lãi suất nhưng không nên giảm điều kiện cho vay bởi nếu giảm sẽ khiến khoản vay dễ dàng giải ngân hơn, hậu quả là không kiểm soát được dòng tiền vay và làm gia tăng nợ xấu. “Việc cấp tín dụng hàng loạt mà thiếu chọn lọc dễ dẫn đến hiện tượng “zombie doanh nghiệp”, nghĩa là doanh nghiệp đã chết lâm sàng, không có khả năng phục hồi. Khi chúng ta bơm tín dụng vào, doanh nghiệp dùng tiền để trang trải những thất thoát, sau đó đóng cửa và rút khỏi thị trường. Để tháo gỡ “nút thắt” này, theo tôi ngân hàng và doanh nghiệp nên nghĩ đến các biện pháp khác. Đơn cử như với ngân hàng, thay vì cấp tín dụng có thể mua cổ phần ưu đãi trong các doanh nghiệp đó. Việc mua cổ phần của doanh nghiệp thực chất là một khoản đầu tư của ngân hàng nên nó không tạo ra nợ xấu mà còn khiến khoản vay đúng mục tiêu hơn, chặt chẽ hơn, thị trường hơn… Tuy nhiên để nâng cao hiệu quả đầu tư, ngân hàng cũng phải tính toán xem doanh nghiệp nào có khả năng phục hồi để đầu tư. Biện pháp này phù hợp với bối cảnh dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều. Nó cũng nhằm đúng mục tiêu thực sự, tín dụng là để phục hồi, cơ cấu và phát triển doanh nghiệp” – ông Hiếu khuyến nghị.

Thanh Bình