Nâng cao hiệu quả liên kết vùng, đưa Đồng bằng Sông Hồng trở thành động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước

Chiếm tới 29,4% GDP cả nước, vùng Đồng bằng sông Hồng sở hữu tiềm năng dồi dào và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng. Nếu tạo được sự đột phá trong mô hình liên kết vùng, khai thác hiệu quả lợi thế của các địa phương sẽ góp phần đưa Đồng bằng sông Hồng trở thành vùng kinh tế trọng điểm và là động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước

Tăng trưởng chưa xứng tầm

Có thể thấy những năm qua liên kết vùng Đồng bằng Sông Hồng, rộng hơn là vùng Bắc Bộ đã đạt được những kết quả nổi bật nhờ những toạ độ liên kết bên trong vùng như: Tam giác cực tăng trưởng Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, cùng các trục liên kết như tuyến từ Lào Cai xuống Hà Nội đi Hải Phòng và trục từ Lạng Sơn xuống Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên. Một tuyến nữa là dọc biển như Hải Phòng, Quảng Ninh…Không chỉ nội vùng mà bên ngoài vùng Đồng bằng Sông Hồng cũng được kết nối rất tốt với phía Tây Bắc như Lào Cai; phía Đông Bắc như Lạng Sơn hay kết nối quốc tế với Sân bay Nội Bài, Sân bay Hải Phòng.

Đáng chú ý, lần đầu tiên Đồng bằng Sông Hồng có một sân bay tư nhân – Sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) được đầu tư đồng bộ, hiện đại không thua kém sân bay quốc doanh nào. Bên cạnh đó, khái niệm xoay xung quanh vùng Thủ đô cũng đã được định hình tương đối rõ nét khi toàn vùng đã có đường vành đai 3 và sắp có vành đai 4, vành đai 5.

Qua đây có thể thấy Đồng bằng Sông Hồng đã được quan tâm đầu tư rất nhiều. Các tuyến liên kết giao thông cơ bản đã định hình được những tuyến liên kết phát triển và toạ độ liên kết phát triển. Tuy nhiên “nút thắt” hiện nay là các tuyến liên kết giao thông của vùng vẫn chưa thực sự đồng bộ. Dù được xem là vùng kinh tế trọng điểm dẫn đầu cả nước và đã có những bước tăng trưởng tốt song Đồng bằng Sông Hồng vẫn chưa thực sự phát triển đúng tiềm năng, tăng trưởng trung bình 10 năm vừa qua của vùng chỉ đạt mức cao gấp 1,15-1,2 lần so với mức chung của cả nền kinh tế.

Câu hỏi đặt ra ở đây, vì sao vùng Đồng bằng Sông Hồng là vùng kinh tế trọng điểm hàng đầu, tập trung nhân lực tốt, tập trung công nghiệp cao, kết nối tốt, thu hút nguồn vốn đầu tư mạnh lại tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước ít như vậy? Vì sao được đầu tư nhiều, nguồn lực có, nhân tài có nhưng vùng lại chỉ tăng trưởng ở mức chưa xứng tầm như vậy?

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, những nghi vấn trên là điều cần phải bàn, dựa trên đặc trưng, thế mạnh của vùng trong chuỗi liên kết. Khách quan cho thấy Đồng bằng Sông Hồng được phân chia thành hai khu vực nhưng khu Bắc Sông Hồng lại phát triển tốt hơn khu Nam Sông Hồng. “Vì sao trong một vùng lại có sự phát triển không đồng đều như vậy? Đây là điểm dứt khoát phải phân tích, mổ xẻ bởi nếu cả hai bên Sông Hồng cùng phát triển sẽ cộng hưởng mạnh hơn. Chính vì vậy Đồng bằng Sông Hồng cần phải rút kinh nghiệm trong vấn đề này”– Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khuyến nghị.

Cũng theo PGS.TS Trần Đình Thiên, để Nam Sông Hồng phát triển cần có sự bàn bạc với từng tỉnh xem vấn đề trăn trở ở đâu, tiềm năng, thế mạnh là gì? Ở đây đòi hỏi ở tầm chiến lược, đòi hỏi tư duy vùng, chính sách phát triển vùng phải nhận diện được. Đơn cử như Ninh Bình khởi sắc nhờ du lịch, vậy công nghiệp của Ninh Bình có khả năng phát triển không? Hà Nam, Thái Bình, Nam Định cũng đặt vấn đề như vậy; và làm sao để có thể chuyển nhịp phát triển công nghiệp như Hải Dương, Hưng Yên? Lời giải cho bài toán khó này chính là tăng cường sự kết nối liên kết các tỉnh trong vùng vì xoay chuyển đúng thì vùng Đồng bằng Sông Hồng mới có thể bứt lên được. Và chỉ khi huy động được sức mạnh tổng thể thì chân dung liên kết vùng mới thay đổi.

Gỡ “nút thắt”, tạo đà phát triển

Các chuyên gia kinh tế nhận định vùng Đồng bằng sông Hồng sở hữu tiềm năng dồi dào và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng. Nếu tạo được sự đột phá trong mô hình liên kết vùng, khai thác hiệu quả lợi thế của các địa phương sẽ góp phần đưa Đồng bằng sông Hồng trở thành vùng kinh tế trọng điểm và là động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước

Để nâng cao hiệu quả liên kết vùng Đồng bằng Sông Hồng, đầu tiên cần tăng cường liên kết về giao thông, liên kết về thể chế và liên kết về doanh nghiệp. Cụ thể về liên kết thể chế, có thể thấy hiện nay Đồng bằng Sông Hồng vẫn chưa có một cấu trúc thể chế tạo ra liên kết vùng hiệu quả nên chưa thể tạo sự phát triển đột phá. Đặc trong bối cảnh Đồng bằng Sông Hồng là vùng kinh tế trọng điểm, có tọa độ dẫn dắt phát triển cả nước thì liên kết thể chế càng giữ vai trò quan trọng. Chỉ khi có cơ chế, chính sách về mặt thể chế mới kích thích được sự chủ động, sáng tạo, thu hút được các nhà đầu tư.

Còn về liên kết doanh nghiệp, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng đây là vấn đề khó nhất do các tỉnh tương đối ít thông được với nhau. Yêu cầu đặt ra ở đây là các tỉnh cần phải chú ý khi mời gọi các nhà đầu tư, làm sao để có thể tạo ra liên kết chuỗi bởi doanh nghiệp mới là nền tảng cho sự kết nối.

Song song với tăng cường liên kết về giao thông, liên kết về thể chế và liên kết về doanh nghiệp, vùng Đồng bằng Sông Hồng cũng cần chú trọng thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ thông qua xây dựng cho vùng một trung tâm logistic xứng tầm, một chợ đầu mối mang tầm cỡ quốc tế, đủ sức cạnh tranh với quốc tế. Chỉ khi vùng trọng điểm phát triển mới có thể kéo cả nước đi lên.

Về giải pháp phát triển du lịch, muốn thúc đẩy liên kết vùng Đồng bằng Sông Hồng trong du lịch thì cần tăng cường sự kết nối du lịch giữa các tỉnh, trong đó cần chú trọng tạo ra sự khác biệt và đẳng cấp. Chỉ khi mỗi tỉnh tạo được sự khác biệt và đẳng cấp mới có tính cạnh tranh, tạo sự hấp dẫn, thu hút. Việc tạo sự liên kết trong du lịch của vùng cũng sẽ giúp hình ảnh quảng bá về vùng có điểm nhấn.

Sau cùng đối với phát triển công nghiệp, có thể thấy hiện Vùng trọng điểm kinh tế Bắc bộ vẫn chưa định hình, phát triển được một KCN Công nghệ cao đúng nghĩa mà đa phần đều là các KCN “tầm thấp”. Chính vì vậy việc thúc đẩy phát triển công nghiệp từ liên kết vùng cần phải có những cụm công nghiệp chuyên ngành, cụm liên kết chuyên ngành, tạo thành những thung lũng silicon, tổ hợp phát triển. “Đặt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thời đại kinh tế số thì việc đầu tư phát triển chuỗi các trung tâm công nghiệp càng cần được quan tâm đầu tư nhiều hơn” – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khuyến nghị.

Quang Hải