Nan giải bài toán nguyên liệu sản xuất khẩu trang phòng dịch

Quyết tâm hỗ trợ cộng đồng thông qua nâng cao công suất, gia tăng lượng khẩu trang cung ứng ra thị trường song hiện tại các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang đang phải đối mặt với không ít khó khăn, nhất là tình trạng thiếu hụt và tăng giá nguyên liệu.

Thiếu nhân lực lẫn nguyên liệu

Ông Đào Ngọc Thu, đại diện Công ty CP GoGreen – Thương hiệu khẩu trang Golden Health (Bình Thạnh, TPHCM) cho biết hiện mỗi ngày công ty sản xuất 25 thùng khẩu trang, tương ứng với 62.500 chiếc khẩu trang y tế. Đây chưa phải là công suất tối đa do nguồn nguyên liệu sản xuất đang thiếu. “Do nhu cầu tăng cao đột biến của thị trường, hiện khẩu trang y tế đang khan hiếm hàng, nguyên liệu dùng để sản xuất khẩu trang (gồm vải, thun, kẽm, nẹp…) cũng khan hiếm và trong một hai ngày tới, dự kiến các đối tác cung ứng sẽ báo giá nguyên liệu cao hơn trước, kéo theo đó giá thành sản phẩm cũng sẽ tăng lên. Tuy nhiên chúng tôi cam kết không tăng quá 10-15% so với trước đây, tức không quá 50.000 đồng/hộp khẩu trang 50 chiếc” – ông Thu chia sẻ.

Bà Vũ Thị Vân Khánh – đại diện Công ty CP Dược phẩm và Sinh học Y tế (Tp.HCM) cho biết doanh nghiệp chỉ có 1 dây chuyền sản xuất khẩu trang N95 với năng lực sản xuất tối đa 42.000 chiếc/ngày. Dù Công ty huy động nhân lực tăng lên 3 ca sản xuất vẫn không thể nào đáp ứng kịp nhu cầu thị trường.

Còn theo ông Ngô Đức Trung – Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Tập đoàn Phú Bảo, từ ngày 3/2 Công ty đã bắt đầu hoạt động trở lại song lại rơi vào tình trạng thiếu trầm trọng nguồn nhân lực lẫn nguyên liệu sản xuất. “Với năng suất sản xuất tối đa 220.000 – 250.000 chiếc/ngày, trong 5 năm nay chúng tôi luôn cung ứng cho thị trường lượng khẩu trang ổn định. Tuy nhiên những ngày gần đây cố gắng lắm cũng không đạt được mức đó do thiếu hụt nhân lực sau Tết; ngay cả lao động thời vụ cũng khó tuyển. Hiện chúng tôi đang nỗ lực huy động tối đa nhân lực để cung ứng ra thị trường 180.000 chiếc khẩu trang/ngày” – ông Trung thông tin.

Bị rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu nên các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang trong nước chỉ có thể cung ứng “nhỏ giọt” ra thị trường. Theo kế hoạch, GoGreen sẽ chỉ cung ứng sản phẩm cho các đại lý, cơ sở y tế đã ký hợp đồng trước đó (20% sản lượng sản xuất) và bán trực tiếp cho người tiêu dùng (80% sản lượng sản xuất) chứ không bán sỉ, không bán cho người thu gom số lượng lớn để bán lại. Ngay cả những đại lý, cơ sở y tế trước đây mỗi ngày công ty phân phối 30-50 thùng (mỗi thùng 50 hộp, mỗi hộp 50 khẩu trang) thì hiện nay cũng chỉ cung ứng 3-5 thùng.

Về phía Công ty TNHH Tập đoàn Phú Bảo đang tổng hợp danh sách để cung ứng theo thứ tự và ưu tiên phục vụ các trung tâm dịch tễ, công trình công cộng, trường học… Công ty cũng thực hiện sắp xếp chia nhỏ đơn hàng, giao thành nhiều đợt để chia sẻ sản phẩm cho nhiều đối tượng có nhu cầu.

Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất khẩu trang vải có tính năng phòng chống dịch

Đại diện Bộ Công Thương cho biết nguyên liệu sản xuất chính khẩu trang y tế gồm vải không dệt, vải lọc kháng khuẩn và than hoạt tính. Vải không dệt trong nước đã sản xuất được, còn vải lọc kháng khuẩn và than hoạt tính hiện trong nước chưa sản xuất nên phải nhập khẩu từ Trung Quốc (khoảng 70%) và các nước Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Ai Cập, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu (30%).

Tuy nhiên hiện Trung Quốc cấm xuất khẩu cả sản phẩm và nguyên liệu. Hàn Quốc và Nhật Bản khan hiếm, không có hàng để bán và xuất khẩu. Ấn Độ cấm xuất khẩu sản phẩm, không cấm xuất khẩu nguyên liệu. Còn châu Âu thì giá lại rất cao. Với các nước còn lại, doanh nghiệp Việt Nam khó tiếp cận nguồn nguyên liệu hoặc nếu tiếp cận được thì giá rất cao. Trường hợp dịch lan rộng tại các nước này, dự báo sẽ khó khăn hơn trong việc nhập khẩu nguyên liệu.

Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đang có hướng đẩy mạnh và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất khẩu trang vải nếu như loại này được Bộ Y tế chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy và có thể phòng chống dịch bệnh. “Với số lượng lên đến 7.000 doanh nghiệp trong ngành dệt may, việc tham gia sản xuất mặt hàng khẩu trang vải không đòi hỏi nhiều về thay đổi quy trình, máy móc nên hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường. Tuy nhiên đây chỉ là các khẩu trang thông thường, chưa được công nhận là khẩu trang y tế, do vậy khả năng thị trường chấp nhận đến đâu còn chưa xác định được” – đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Xuân An