Năm 2022 và những “điểm nóng” đáng chú ý của đồng tiền số

Năm 2022 được dự đoán sẽ là năm thăng hoa của thị trường tiền số với nhiều sự kiện mới, trong đó có 5 “điểm nóng” đáng chú ý…

Biến động giá khó lường

Bitcoin, Ethereum và những đồng tiền số khác vốn có xu hướng biến động mạnh. Tuy nhiên việc chỉ trong một vài tuần ngắn ngủi, những đồng tiền số này lại đi được một chặng đường khá dài là điều ít ai ngờ tới.

Khởi động năm 2022 ở ngưỡng 46.000 USD song chỉ trong 10 ngày ngắn ngủi tiếp theo, đồng tiền số có vốn hóa cao nhất thị trường đã giảm 14%, lùi về dưới 40.000 USD. Sau đó Bitcoin vươn mình trở lại mốc trên 43.000 USD rồi lại lao dốc về mức đáy dưới 33.000 USD, giảm sốc gần 50% so với đỉnh cao nhất mọi thời đại tháng 11/2021.

Ngay khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có động thái chuẩn bị nâng lãi suất, giá đồng Bitcoin đã có sự biến động liên tục và với nhiều lần tăng lãi suất có khả năng xảy ra, điều này là tin xấu cho các tài sản rủi ro.

Cho đến nay, Bitcoin đã phản ứng với tin tức về lạm phát cao và có khả năng tăng lãi suất như một loại cổ phiếu công nghệ hơn là vàng kỹ thuật số như niềm tin của nhiều người. Các nhà đầu tư cũng có ít kinh nghiệm giao dịch với Bitcoin trong môi trường lãi suất cao. Trong suốt vòng đời của đồng tiền này, kể từ khi ra mắt năm 2009, Fed đã duy trì một mặt bằng lãi suất tương đối thấp. Tất cả biến 2022 thành một năm bản lề quan trọng, có khả năng xác định vai trò của tiền số trong danh mục của các nhà đầu tư trong tương lai.

Thời điểm các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư tài sản số

Sau những đợt tăng giá chạm đỉnh, các công ty lớn tại Mỹ lại nghiêm túc xem xét khả năng tham gia đầu tư vào tài sản số. Đơn cử như “ông lớn” ngành bán lẻ Walmart đang chuyển sang tạo tiền số và bộ sưu tập NFT của riêng mình. Hay như BTCS đã trở thành công ty đầu tiên trên Nasdaq cung cấp cổ tức bằng bitcoin (Bividend) cho các cổ đông của mình.

Các ông chủ khác như Jack Dorsey, Elon Musk, Michael Saylor…cũng đã đưa tiền số vào trung tâm hoạt động của họ cũng như thêm Bitcoin vào bảng cân đối kế toán. Thậm chí Công ty Công nghệ Tài chính Unicorn đã phân bổ 5% bảng cân đối kế toán cho các stablecoin.

Vốn đầu tư mạo hiểm vào tiền số tăng kỷ lục

Ngay từ những ngày đầu năm 2022, các nhà đầu tư mạo hiểm toàn cầu đã đặt cược lớn vào các công ty, dự án liên quan đến tiền số và blockchain với mức đầu tư đạt kỷ lục.

Đơn cử sàn giao dịch NFT lớn nhất thế giới OpenSea vừa huy động thành công 300 triệu USD trong vòng đầu tư Series C, đưa định giá công ty lên mức kỷ lục13,3 tỷ USD, tăng mạnh so với 1,5 tỷ USD kể từ đợt huy động Series B 100 triệu USD được công bố vào tháng 7/2021. Lukka – một công ty cung cấp dữ liệu tiền số có trụ sở tại New York cũng đã huy động được 110 triệu USD trong vòng gọi vốn Series E và hiện được định giá là 1,3 tỷ USD. Hay như Công ty chứng khoán Citadel Securities cũng đã nhận khoản đầu tư 1,15 tỷ USD và sẽ đặt cược vào không gian tiền số với các đối tác đầu tư mới của mình là Sequoia và Paradigm

Ngoài ra dòng tiền đầu tư mạo hiểm cũng được rót vào những người chơi mới. Tiêu biểu chuyên gia đầu tư mạo hiểm nổi tiếng Kathryn Haun – cựu đối tác của công ty đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz đang có kế hoạch huy động khoảng 900 triệu USD cho hai quỹ đầu tư tiền số tại công ty mới. Hay như Sàn giao dịch tiền số FTX gần đây cũng đã ra mắt bộ phận đầu tư mạo hiểm của riêng mình với tên gọi FTX Ventures có trị giá 2 tỷ USD.

Sự lên ngôi của đồng Ethereum

Theo thời gian, vấn đề môi trường với tiền số ngày càng được quan tâm, nhất là khi Bitcoin đang tạo ra lượng khí thải carbon tương đương với Kuwait. Ngay lúc này đây, đồng tiền số lớn thứ hai Ethereum đang hy vọng có thể xoay trục để trở thành Ethereum 2.0. Các ước tính mới từ Ethereum Foundation chỉ ra rằng việc nâng cấp Ethereum lên bằng chứng cổ phần sẽ cắt giảm đáng kể nhu cầu năng lượng của mạng lưới. Cụ thể Ethereum sẽ giảm hơn 99,95% trong việc sử dụng năng lượng sau hợp nhất

Năm 2022, sau nhiều năm chờ đợi, chuỗi khối Ethereum đang chuẩn bị chuyển sang một loại thuật toán đồng thuận mới có tên “bằng chứng cổ phần” (Proof of Stake) và điều này được kỳ vọng sẽ khiến mạng lưới Ethereum có khả năng mở rộng hơn, an toàn hơn và thân thiện với môi trường hơn so với thuật toán hiện tại – PoW, hệ thống tương tự Bitcoin.

Mối quan tâm về môi trường xung quanh PoW là những người được gọi là “thợ mỏ” phải tiêu tốn một lượng lớn năng lượng để đào ra Bitcoin hoặc Ethereum. Trong khi đó, Proof of stake là một quá trình bầu chọn ngẫu nhiên diễn ra nhằm chọn một node làm người xác thực khối kế tiếp. Tức là thay vì phải đầu tư các dàn máy với kinh phí lớn, người chơi chỉ cần một chiếc máy tính với cấu hình bình thường, mạng ổn định.

Trong nhiều năm qua việc thay thế thuật toán với mạng lưới Ethereum đã bị trì hoãn. Tuy nhiên Ethereum Foundation ước tính trong quý II/2022 quá trình chuyển đổi này sẽ chính thức diễn ra.

Hành lang pháp lý về tiền kỹ thuật số sẽ thắt chặt hơn

Sau một thời gian thả lỏng, trong năm 2022 này có thể các nhà lập pháp và quản lý tài chính ở Washington đã sẵn sàng ban hành một số quy định mới về đồng tiền số

Trên thực tế tiền số chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ các hạng mục chính mà Tổng thống Joe Biden tham vọng sẽ thực hiện trong gần 10 năm. Người đứng đầu Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) Gary Gensler đã yêu cầu Quốc hội Mỹ cấp thêm nguồn lực để khám phá thị trường tiền số với một lăng kính sâu hơn. Yêu cầu này cũng nhằm làm rõ vai trò của SEC trong việc quản lý.

Nhiều khả năng SEC sẽ duy trì cách tiếp cận mà họ đã thực hiện cho đến nay, đó là kiểm soát và ngăn chặn các đợt phát hành giả mạo trong hệ sinh thái tiền số. Tuy nhiên, SEC không phải là người quản lý duy nhất với lĩnh vực này. Vào năm 2021, người đứng đầu của mọi cơ quan giám sát ngân hàng và thị trường đã tuyên bố họ có trách nhiệm trong việc giám sát và xây dựng cơ chế quản lý cho tiền số. David Easthope – Nhà phân tích cấp cao tại Coalition Greenwich còn khẳng định “Tiền số sẽ có rất nhiều cơ quan quản lý”.

Thế Hùng