Năm 2022, giá trị thương hiệu của Việt Nam tăng 11%

Báo cáo mới nhất của Công ty tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu Brand Finance cho thấy giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam năm 2022 đạt 431 tỷ USD, tăng tới 11% so với năm ngoái. Còn nếu so sánh với năm 2019, giá trị tuyệt đối thương hiệu Việt Nam tăng 74% – mức tăng nhanh nhất thế giới…

Sự gia tăng mạnh về giá trị thương hiệu của Việt Nam tương quan với việc đất nước hình chữ S đã đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng và được biết đến như một điểm đến đầu tư hấp dẫn, đặt trong bối cảnh nhiều nhà sản xuất đang tìm cách điều chuyển các hoạt động ở châu Á để tới Việt Nam.

 Có được thành công này là nhờ đất nước hình chữ S đã có các chính sách tài khóa – tiền tệ vô cùng linh hoạt cùng sự đầu tư chiều sâu cho  yếu tố nguồn nhân lực. Ngoài ra các yếu tố: phản ứng linh hoạt trong chống Covid-19, nơi an toàn và ổn định để các nhà sản xuất dịch chuyển đầu tư…cũng giúp gia tăng giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam trong năm nay.

Báo cáo của Brand Finance cũng nhấn mạnh trên toàn thế giới, giá trị của các thương hiệu quốc gia cơ bản đã trở lại cột mốc trước khi dịch Covid – 19 bùng phát. Các dự báo kinh tế vĩ mô trong tương lai kết hợp với những triển vọng tích cực từ sự phục hồi sau đại dịch đang thúc đẩy tăng trưởng của các nước.

Năm 2022, tổng giá trị của 100 thương hiệu quốc gia hàng đầu thế giới đạt 97.200 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ thấp hơn một chút so với thời điểm trước đại dịch năm 2019 (98.000 tỷ USD). Tuy nhiên trên thực tế chỉ có 50 thương hiệu quốc gia tăng giá trị trong giai đoạn này, 50 thương hiệu còn lại vẫn được định giá thấp hơn so với mức trước đại dịch.

Trong bảng xếp hạng sức mạnh thương hiệu  năm nay, những cái tên trong top 10 đều rất quen thuộc, dẫn đầu là Mỹ với giá trị thương hiệu đạt 26.500 tỷ USD (tăng 7%); theo sau là  Trung Quốc với giá trị thương hiệu đạt 21.500 tỷ USD (tăng 8%). Các vị trí thứ 3 và 4 lần lượt thuộc về Đức và Nhật Bản.

Anh là một trong những thương hiệu quốc gia ghi nhận sự phục hồi sau Covid-19 tốt nhất với giá trị thương hiệu đạt 4.100 tỷ USD, tăng 265 tỷ USD so với năm 2021. Có được thành công này là nhờ xứ sở sương mù có độ phủ vaccine rộng, các hoạt động kinh tế cũng được nới lỏng nhanh chóng sau dịch. Tuy nhiên sắp tới đây dự báo giá trị thương hiệu của Anh có thể suy giảm trước nguy cơ suy thoái kinh tế đang gia tăng, đồng bảng Anh trượt giá trầm trọng…

Ngoài định giá thương hiệu quốc gia, Brand Finance còn chấm điểm sức mạnh thương hiệu các nước. Nổi bật Canada đã giành được danh hiệu thương hiệu quốc gia mạnh nhất năm nay với điểm số sức mạnh thương hiệu tổng thể là 81,8/100, thay thế vị trí dẫn đầu của năm ngoái là Thụy Sĩ (80,7). Có được thành công này là nhờ Canada có lợi thế kinh tế ổn định, tiêu chuẩn sống cao cao nhất thế giới, Ngoài ra quốc gia này còn có thế mạnh về đầu tư thương hiệu và hiệu quả hoạt động thương hiệu của họ vẫn tương đối cao nhờ các chính sách Covid-19 linh hoạt.

Được thành lập năm 1996, Brand Finance là công ty tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới có trụ sở chính đặt tại London và văn phòng tại hơn 20 quốc gia, cung cấp dịch vụ trên tất cả các châu lục. Hàng năm, hãng thực hiện hơn 5.000 định giá thương hiệu; xuất bản gần 100 báo cáo xếp hạng thương hiệu trên tất cả các lĩnh vực, từ xếp hạng thương hiệu bất động sản, viễn thông, đồ chơi, câu lạc bộ bóng đá cho đến thương hiệu riêng của từng quốc gia. Brand Finance tính toán giá trị thương hiệu quốc gia theo mô hình tương tự như với doanh nghiệp, sử dụng sức mạnh thương hiệu, GDP dự báo và phương pháp tính giá trị ròng (NPV) để đưa ra kết quả cuối cùng.

Quang Lâm