Năm 2021, tiếp tục thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép”

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Nghị quyết cũng đồng thời khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong trạng thái bình thường mới. 

Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025 và các kế hoạch 5 năm trên các lĩnh vực theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Trong năm này, Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng trưởng khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%…

Tuy nhiên để hoàn thành các mục tiêu đề ra là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, đặt trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa một số quốc gia, đối tác trên thế giới và trong khu vực tiếp tục diễn ra gay gắt. Điều quan trọng là đại dịch Covid-19 vẫn chưa thể sớm kết thúc, tác động tiêu cực có thể kéo dài, ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực, nhất là đối với đầu tư, thương mại, dịch vụ, du lịch, vận tải hàng không. Trước tình hình trên, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ban ngành liên quan tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền nâng cao ý thức phòng, chống dịch, tuyệt đối không chủ quan trước dịch bệnh; tiếp tục củng cố trạng thái bình thường mới. Kiểm soát, phù hợp người nhập cảnh, ngăn chặn hiệu quả nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài. Xem xét mở lại các đường bay thương mại quốc tế khi điều kiện cho phép, bảo đảm phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Đẩy nhanh việc nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong phát triển vắc-xin và có giải pháp để người dân tiếp cận vắc-xin phòng dịch Covid-19 sớm nhất.

Song song đó Chính phủ cũng chủ động bố trí nguồn lực và triển khai các giải pháp phù hợp, kịp thời (trong đó có các giải pháp tín dụng, tài chính, ngân sách nhà nước, thuế, phí, lệ phí…) để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động bị mất việc, thiếu việc làm, giảm sâu thu nhập do đại dịch Covid-19 và khôi phục sản xuất, kinh doanh, nhất là trong các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch, hàng không…Theo đó bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với thực thi nghiêm pháp luật, các cơ quan chức năng cũng sẽ kiểm soát chặt việc ban hành những văn bản liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành… Đảm bảo tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp.

Rà soát sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật, các cơ chế, chính sách, nhất là trong lĩnh vực ngân sách nhà nước, thuế, đất đai, tài nguyên, môi trường, đầu tư, xây dựng, thương mại, quản lý thị trường…, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, giải phóng các nguồn lực cho phát triển, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh phát triển các thị trường tài chính, chứng khoán, bảo hiểm; tăng cường quản lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Phát triển thị trường lao động theo hướng minh bạch, cạnh tranh và hội nhập, đa dạng các hình thức kết nối cung – cầu lao động, sử dụng hợp lý và hiệu quả nguồn nhân lực.

Liên quan đến chính sách tiền tệ, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, bảo đảm an toàn hệ thống; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên.

Với các cơ quan thuế, tài chính, Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách nhà nước và tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính – ngân sách, chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế. Hiện đại hóa hệ thống thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, mở rộng triển khai hóa đơn điện tử. Ưu tiên dành nguồn lực cho đầu tư phát triển; triệt để tiết kiệm các khoản chi chưa thật cần thiết

Bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, Chính phủ cũng đặt mục tiêu ưu tiên thúc đẩy mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, không để phụ thuộc quá lớn vào một thị trường. Hỗ trợ doanh nghiệp kết nối qua các nền tảng số, xuất khẩu qua các nền tảng thương mại điện tử lớn. Triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ để khai thác và tận dụng các ưu đãi; tiếp tục đàm phán, ký kết các FTA với các đối tác. Tăng cường các biện pháp phòng vệ, xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại phù hợp với các cam kết quốc tế để bảo vệ sản xuất trong nước và hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài.

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Cụ thể trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ tập trung khuyến khích nông nghiệp xanh, sạch, sinh thái, chuyển đổi cây trồng, giống vật nuôi phù hợp…; trong lĩnh vực dịch vụ vận tải sẽ ưu tiên tăng thị phần các phương thức vận tải đường thuỷ nội địa và đường sắt, chú trọng phát triển vận tải đa phương thức, giảm chi phí logistic…; trong lĩnh vực tín dụng tiếp tục chỉ đạo cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các tổ chức tín dụng yếu kém; củng cố, chấn chỉnh hệ thống quỹ tín dụng nhân dân; tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh, nhất là trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Ngoài ra, các bộ, ngành sẽ tiếp tục rà soát, thu hẹp phù hợp các ngành, lĩnh vực kinh doanh mà nhà nước giữ 100% vốn, đẩy mạnh cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước; tập trung xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, nhất là các dự án ngành công thương…

Duy Khiêm