Mỹ trì hoãn việc nới lỏng trừng phạt đối với Huawei

Nhà Trắng đang trì hoãn ra quyết định về cấp phép cho các công ty Mỹ nối lại hợp tác với hãng công nghệ Trung Quốc Huawei – hãng tin Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho hay. Đây được xem là một sự trả đũa đối với việc Trung Quốc dừng mua nông sản Mỹ.

Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết trong tuần trước đã nhận được 50 đơn đề nghị của doanh nghiệp Mỹ muốn nối lại cung cấp công nghệ và linh kiện cho Huawei. Ông Ross nói hiện Bộ Thương mại Mỹ chưa có quyết định gì về số đơn đề nghị này.

Hồi tháng 5, Bộ Thương mại Mỹ đưa Huawei vào “danh sách đen”, theo đó khiến hãng này không thể mua linh kiện và công nghệ Mỹ nếu không có sự cho phép của Washington. Trong cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Nhật Bản vào cuối tháng 6, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí rằng Mỹ sẽ nới trừng phạt Huawei và đổi lại Trung Quốc sẽ tăng mua nông sản Mỹ.

Sau cuộc gặp, Mỹ tuyên bố sẽ “nương tay” với Huawei bằng cách cấp giấy phép tạm thời cho các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục cung cấp cho Huawei những linh kiện và công nghệ được cho là không gây hại đến an ninh quốc gia Mỹ.

Tuy nhiên, thương chiến Mỹ-Trung đột ngột leo thang mạnh từ tuần trước khi ông Trump tuyên bố áp thuế lên 300 tỷ USD hàng Trung Quốc. Bắc Kinh đáp trả bằng cách hạ tỷ giá Nhân dân tệ và tuyên bố dừng mua nông sản Mỹ.

Trong bối cảnh như vậy, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ sẽ sớm nới trừng phạt Huawei, dù ông Trump tuần trước nói rằng ông không có ý định thay đổi lời hứa mà ông đưa ra ở Nhật Bản về Huawei. Ông cũng nói vấn đề Huawei không liên quan đến đàm phán thương mại Mỹ-Trung.

Giá cổ phiếu Micron và Western Digital, hai nhà cung cấp của Huawei, giảm hơn 2% sau khi có tin Mỹ hoãn việc cấp phép bán hàng cho “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc.

Theo Bloomberg, trong thời gian qua, các công ty công nghệ Mỹ đã ra sức vận động Nhà Trắng cấp phép để được nối lại cung cấp linh kiện và công nghệ cho Huawei.

Hãng công nghệ Trung Quốc này là một trong những khách mua thiết bị bán dẫn lớn nhất thế giới. Việc tiếp tục bán được hàng cho Huawei giữ vai trò quan trọng đối với “vận mệnh” của các hãng sản xuất con chip Mỹ như Intel, Qualcomm và Broadcom. Trong tháng 7, Tổng giám đốc (CEO) của các hãng này đã có cuộc gặp với ông Trump ở Nhà Trắng.

Một số hãng chip Mỹ như Xilinx và Micron đã công khai việc họ nộp đơn xin được tiếp tục cung cấp cho Huawei, đồng thời kêu gọi Chính phủ Mỹ cấp phép. Các công ty này lập luận rằng nhiều sản phẩm của họ có thể dễ dàng mua được từ các hãng khác, nên lệnh cấm của chính quyền ông Trump đối với Huawei không hiệu quả mà chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ.

Huy Hoàng