Mỹ kiện Google độc quyền bất hợp pháp trong lĩnh vực tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến

Chính quyền Tổng thống Donald Trump vừa đệ đơn kiện Google với cáo buộc “ông lớn” công nghệ này đã duy trì độc quyền một cách bất hợp pháp trong lĩnh vực tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến. Đây được xem là vụ kiện chống độc quyền lớn nhất thế giới trong hơn 20 năm trở lại đây.

Được biết có tổng cộng 11 tiểu bang (Arkansas, Florida, Georgia, Indiana, Kentucky, Louisiana, Mississippi, Missouri, Montana, South Carolina, Texas) tham gia vụ kiện này. Trong đơn kiện, Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) đã cáo buộc Google kiểm soát sự cạnh tranh để duy trì vị thế của mình trên thị trường công cụ tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến. Chính sự độc quyền này đã gây tổn hại nhiêm trọng đến khả năng cạnh tranh cũng như cản trở các đối thủ khác trong thu hút người dùng.

DOJ còn cáo buộc Google đã chi hàng tỷ USD cho các nhà sản xuất điện thoại di động như Apple, LG, Motorola, Samsung…cùng các nhà phát triển trình duyệt web như Mozilla, Opera để duy trì và củng cố vị thế độc quyền của mình thông qua việc cài đặt Google làm công cụ tìm kiếm mặc định. Trong nhiều trường hợp, Google còn không cho phép các công ty này làm ăn với đối thủ của họ; chính điều này đã giúp “ông lớn” ngành công nghệ sở hữu hoặc kiểm soát hiệu quả các kênh phân phối tìm kiếm, chiếm khoảng 80% các lệnh tìm kiếm tại Mỹ. “Cuối cùng không ai có thể thách thức sự thống trị của Google trong lĩnh vực tìm kiếm và quảng cáo tìm kiếm. Với sự độc quyền, Google gây hại cho người tiêu dùng bằng cách giảm chất lượng dịch vụ tìm kiếm và giảm sự lựa chọn” – đơn kiện của DOJ nhấn mạnh.

Trong một cuộc họp gần đây, các quan chức DOJ đề nghị tòa án xem xét một loạt biện pháp xử lý bao gồm: buộc Google phải từ bỏ hành vi độc quyền và thực hiện chia tách công ty. “Nếu DOJ không thực hiện vụ kiện này, chúng ta có thể đánh mất làn sóng đổi mới tiếp theo và người Mỹ có thể sẽ không bao giờ chứng kiến sự xuất hiện của Google kế tiếp” – Phó Tổng chưởng lý Jeffrey Rosen cảnh báo

Trong khi đó ông Kent Walker – Giám đốc pháp lý và đối tác toàn cầu của Google lại kịch liệt phản đối đơn kiện và khẳng định vụ kiện ngày hôm nay của DOJ là một sai lầm lớn. Mọi người tự nguyện lựa chọn sử dụng Google chứ không phải bị ép buộc hay họ không thể tìm thấy công cụ khác thay thế. “Vụ kiện của DOJ là “dựa trên các lập luận đáng ngờ về chống độc quyền” và điều này sẽ không giúp ích gì cho người tiêu dùng. Ngược lại, nó vô tình ủng hộ dịch vụ tìm kiếm chất lượng kém chất lượng khác, làm tăng giá điện thoại và khiến mọi người khó tiếp cận được dịch vụ tìm kiếm mà họ muốn sử dụng” – ông Kent Walker nhấn mạnh.

Về phía Google cũng khẳng định hành động trả tiền để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên các smartphone cũng tương tự những động thái mà  các doanh nghiệp khác đưa ra để quảng bá sản phẩm của họ. Điều này giống như một thương hiệu ngũ cốc có thể trả tiền cho siêu thị để sản phẩm của họ được bày ở cuối giá hàng hoặc ngang tầm mắt khách hàng.

Được biết DOJ đệ đơn kiện Google sau cuộc điều tra chống độc quyền kéo dài 1 năm, trong đó các nền tảng công nghệ đã được xem xét kỹ lưỡng về tác động của họ đối với nền dân chủ và doanh nghiệp nhỏ. Động thái này cũng diễn ra sau một báo cáo của Quốc hội Mỹ cho thấy Google và những gã khổng lồ công nghệ khác  Amazon, Facebook, Apple…. được hưởng “quyền lực độc quyền” và tận dụng mức độ phủ sóng mạnh mẽ của họ để giảm sức cạnh tranh từ bên ngoài. Bản báo cáo này cáo buộc rằng Amazon đã chèn ép người bán bên thứ 3, khoản phí và chính sách của AppStore trên các thiết bị Apple là chống lại sự cạnh tranh và Facebook đã tìm cách loại bỏ các đối thủ trong tương lai thông qua việc thực hiện những thương vụ thâu tóm có mục tiêu.

Trong năm vừa qua, hàng chục tiểu bang đã tiến hành các cuộc điều tra độc lập về Google. Một số tiểu bang cho biết họ có ý định kết thúc cuộc điều tra trong những tuần tới và nếu họ nộp đơn kiện cùng DOJ thì đây có thể trở thành một vụ kiện cấp liên bang. Nhóm các bang gồm Colorado, Iowa, Nebraska, North Carolina, Tennessee, Utah cho biết họ đánh giá cao sự hợp tác của lưỡng đảng và mối quan hệ tốt đẹp với DOJ về những vấn đề nghiêm trọng này. Đây là thời điểm mang tính lịch sử đối với cả cơ quan chống độc quyền tiểu bang lẫn liên bang trong nỗ lực chung bảo vệ sự cạnh tranh, đổi mới trong thị trường công nghệ của mình.

Vụ kiện của DOJ cũng đánh dấu bước đi quan trọng nhất mà chính phủ Mỹ đã thực hiện nhằm yêu cầu Thung lũng Silicon phải đưa ra những động thái hợp lý. Vụ kiện lần này cũng được dự báo sẽ gây rủi ro lớn chưa từng có đối với hoạt động kinh doanh quảng cáo – vốn chiếm tới 84% doanh thu của Google. Ngoài ra động thái của DOJ cũng cho thấy sự chỉ trích ngày càng gay gắt, đặc biệt là của các cựu ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, chống lại tình trạng bất bình đẳng kinh tế và quyền lực chủ yếu tập trung vào các công ty lớn tại Mỹ.

Trước vụ kiện Google, chính quyền Washington cũng đã mạnh mẽ chống lại ngành công nghệ sau khi nhiều bằng chứng cho thấy các nền tảng truyền thông xã hội lớn đã bị thao túng bởi thế lực nước ngoài để can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016. Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Donald Trump cũng đã nhiều lần chỉ trích Google, Facebook và Twitter vì cố tình kiểm duyệt những nội dung mang quan điểm bảo thủ.

Linh Lan