Mỹ đưa công ty máy bay không người lái DJI Trung Quốc vào danh sách đen

Bộ Quốc phòng Mỹ (DoD) đã thêm hơn một chục công ty Trung Quốc, bao gồm cả nhà sản xuất máy bay không người lái lớn nhất thế giới DJI vào danh sách đen các công ty bị cáo buộc có quan hệ với quân đội Trung Quốc, mở đường cho việc đưa ra các hạn chế đối với hoạt động kinh doanh của các công ty này.

Công ty DJI Technology có trụ sở tại Thâm Quyến, ước tính kiểm soát hơn một nửa thị trường máy bay không người lái thương mại toàn cầu, nằm trong số 13 công ty bị đưa vào danh sách đen do Lầu Năm Góc đưa ra hôm thứ Tư.

Danh sách đen cho phép Tổng thống Mỹ có quyền áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty được cho là có liên hệ với quân đội Trung Quốc.

Thông báo này được đưa ra sau khi Bộ Tài chính mỹ năm ngoái đã cấm những người có trụ sở tại Mỹ giao dịch cổ phiếu của DJI và bảy công ty Trung Quốc khác vì bị cáo buộc liên quan đến việc giám sát người Duy Ngô Nhĩ dân tộc thiểu số ở khu vực Tân Cương xa xôi phía tây của Trung Quốc.

BGI Genomics Co, một công ty thử nghiệm gien; CRRC Corp, công ty sản xuất đầu máy toa xe; và Zhejiang Dahua Technology, một nhà sản xuất thiết bị giám sát có trụ sở tại Hàng Châu, cũng có tên trong danh sách đen cập nhật.

Danh sách đen bao gồm hơn 60 công ty Trung Quốc, bao gồm cả công ty công nghệ khổng lồ Huawei Technology và nhà sản xuất chất bán dẫn SMIC.

Lầu Năm Góc cho biết: “Bộ quyết tâm làm nổi bật và chống lại chiến lược Kết hợp Quân sự-Dân sự của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, vốn hỗ trợ các mục tiêu hiện đại hóa của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc bằng cách đảm bảo lực lượng này tiếp cận với các công nghệ tiên tiến và chuyên môn được tiếp thu và phát triển bởi các công ty, trường đại học và các chương trình nghiên cứu dường như là các thực thể dân sự”.

Charles Rollet, một nhà phân tích của nhóm nghiên cứu giám sát IPVM có trụ sở tại Pennsylvania, cho biết động thái chống lại DJI là một lời cảnh báo cho các nhà đầu tư để tránh xa công ty.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thúc đẩy cô lập các công ty Trung Quốc có quan hệ quân sự như một phần của nỗ lực sâu rộng nhằm chống lại Bắc Kinh trong các lĩnh vực từ quốc phòng đến công nghệ và thương mại.

Trung Quốc đã mô tả các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với các công ty Trung Quốc là “thao túng chính trị điển hình” và cảnh báo không nên sử dụng tiến bộ khoa học và công nghệ làm công cụ hạn chế sự phát triển của các nước khác.

Thanh Khoa