Mỹ áp thuế khủng lên thép Việt Nam và khuyến cáo dành cho doanh nghiệp

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa ban hành phán quyết cuối cùng về việc áp thuế lên đến hơn 456% đối với các sản phẩm thép nhập vào Mỹ từ Việt Nam có sử dụng nguyên liệu xuất xứ từ Hàn Quốc và Đài Loan – Trung Quốc. Dù chỉ chiếm chưa tới 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thép của Việt Nam nhưng nếu bị áp thuế, các doanh nghiệp Việt sẽ khó tiếp tục xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Theo phán quyết của DOC, các mặt hàng thép cán nguội (CRS) và thép chống ăn mòn (CORE) của Việt Nam được sản xuất từ thép cán nóng của Hàn Quốc và Đài Loan – Trung Quốc không đáp ứng yêu cầu chuyển đổi đáng kể của Mỹ và do đó bị coi là lẩn tránh thuế. Với kết luận này, cơ quan Hải quan Mỹ sẽ tiếp tục thu thuế đối với các mặt hàng thép của Việt Nam. Cụ thể những lô hàng thép CRS và CORE  xuất khẩu từ Việt Nam nếu không chứng minh được xuất xứ của nguyên liệu thép cán nóng bị áp mức thuế hơn 456% (mức thuế Mỹ đang áp dụng với thép Trung Quốc).

Nếu doanh nghiệp chứng minh nguyên liệu cán nóng nhập khẩu từ Hàn Quốc hoặc Đài Loan sẽ bị áp thuế tương ứng của Hàn Quốc (29,4% với thép CORE; 24,2% với thép CRS) và Đài Loan (10,34% với thép CRS). Như vậy nếu các doanh nghiệp chứng minh được nguyên liệu sản xuất là của Việt Nam hoặc các nước/vùng lãnh thổ ngoài 3 nguồn trên sẽ không bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế (tức là không phải nộp thuế).

Trước những ảnh hưởng tiêu cực từ phán quyết của DOC lên hoạt động xuất khẩu thép của Việt Nam, Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho biết ngay khi DOC bắt đầu tiến hành điều tra vụ việc (tháng 8/2018), VSA đã rất tích cực phối hợp cùng với Cơ quan Nhà nước, làm việc với luật sư tại Mỹ, luật sư tại Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu để làm rõ thông tin, đề nghị ngành sản xuất trong nước phối hợp đầy đủ với cơ quan điều tra của Mỹ.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng kiến nghị Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) trao đổi trực tiếp, đề nghị DOC xem xét tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia cung cấp thông tin, mở rộng diện cho phép doanh nghiệp tự chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước, đồng thời phối hợp với các cơ quan hữu quan của Việt Nam và Mỹ để ngăn chặn các hành vi gian lận, lẩn tránh bất hợp pháp. Về phía Bộ Công Thương cũng đã tham gia phiên điều trần do DOC tổ chức để bày tỏ quan điểm và có các cuộc họp với DOC để làm rõ đề nghị của Việt Nam.

Trước quyết định của Mỹ áp thuế khủng hơn 456% lên thép Việt Nam, VSA khuyến cáo các doanh nghiệp cần tiếp tục chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả; chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua tăng cường ứng dụng máy móc – công nghệ hiện đại, tiết kiệm chi phí. Điều quan trọng là doanh nghiệp nên chuyển hướng sử dụng nguyên liệu đầu vào – thép cán nóng từ nhiều nguồn khác nhau (sử dụng nguyên liệu trong nước hoặc mua từ các quốc gia khác như Nhật Bản, Brazil, Áo, Bỉ …) để phòng tránh các rủi ro. Ngoài ra các doanh nghiệp cũng cần chủ động xây dựng hệ thống quản lý để phục vụ việc tự chứng nhận; phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội và bạn hàng đối tác nước ngoài; nhiệt tình hợp tác cung cấp thông tin với phía DOC,\…; đồng thời chú trọng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh tình trạng “bỏ trứng vào một giỏ”.

Trân Nguyễn