Mỹ âm thầm thảo luận việc trừng phạt Trung Quốc vì dịch bệnh

Theo nguồn tin của Washington Post, giới chức Mỹ đã bắt đầu tìm hiểu các đề xuất trừng phạt Trung Quốc hoặc yêu cầu bồi thường tài chính liên quan đến cách thức xử lý dịch Covid-19 của nước này. Thông tin được tiết lộ bởi 4 quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ, có am hiểu về xây dựng kế hoạch nội bộ.

Tổng thống Trump nhiều lần trao đổi với các trợ lý về mong muốn buộc Trung Quốc bồi thường cho đại dịch.

Theo hai nguồn tin, các quan chức cấp cao từ nhiều cơ quan chính phủ Mỹ dự kiến có cuộc họp trong ngày 30/4 (giờ địa phương) để hoạch định chiến lược cho các biện pháp trả đũa Trung Quốc. Các thảo luận này cũng có sự tham gia của quan chức tình báo Mỹ.

Tổng thống Donald Trump thời gian qua đã bàn với các trợ lý và một số người khác sự phẫn nộ về Trung Quốc, chỉ trích nước này không chia sẻ thông tin về virus corona. Ông đã đề cập khả năng thực thi những biện pháp mạnh tay, có khả năng đẩy Bắc Kinh vào thế buộc phải trả đũa.

Trong các trao đổi riêng, Tổng thống Trump và trợ lý đã thảo luận viễn cảnh bỏ “quyền miễn trừ quốc gia” của Trung Quốc, hướng đến cho phép chính phủ hoặc “nạn nhân” Mỹ khởi kiện Trung Quốc đòi bồi thường thiệt hại.

Theo George Sorial, cựu nhân sự quản lý cấp cao trong tập đoàn Trump Organization và đang tham gia một đơn kiện tập thể mà bị đơn là Trung Quốc, ông và một số quan chức cấp cao trong Nhà Trắng đã bàn bạc về khả năng hạn chế quyền miễn trừ quốc gia của Trung Quốc. Trong khi đó, giới chuyên gia luật nhận định kịch bản này rất khó thành công và có thể cần quốc hội xây dựng đạo luật.

Một vài quan chức chính phủ đã đề cập khả năng hủy một phần trách nhiệm trả nợ cho Trung Quốc, theo hai nguồn thạo tin. Thái độ của Tổng thống Trump đối với ý tưởng này vẫn chưa rõ.

Các nguồn tin của Washington Post nhấn mạnh thảo luận hiện chỉ mang tính sơ bộ, chưa có bước đi nào mang tính chính thức để hiện thực hóa các ý tưởng này. Một số quan chức trong chính phủ cũng cảnh báo Tổng thống Trump không trừng phạt Trung Quốc vì nước này là nguồn cung cấp vật tư y tế cho cuộc chiến với Covid-19 tại Mỹ.

“Hiện không phải thời điểm phù hợp. Việc này nên làm vào lúc khác”, một quan chức giấu tên, có tham gia vào các cuộc thảo luận trừng phạt Trung Quốc, chia sẻ.

Theo quan sát của các nguồn tin, đội ngũ an ninh quốc gia với mong muốn trừng phạt Trung Quốc đang giành được lợi thế trước những cố vấn kinh tế của chính phủ. Một cố vấn cấp cao tiết lộ: “Trong đầu Tổng thống lúc này chắc chắn chỉ nghĩ đến trừng phạt Trung Quốc”.

Một vài cố vấn chính trị thậm chí khuyến khích Tổng thống Trump mạnh tay hơn với Trung Quốc để tăng thêm lợi thế về mặt chính trị. Trong một khảo sát được trình bày nội bộ gần đây, khoảng 51% cử tri tại các bang chiến địa cho bầu cử Tổng thống Mỹ quy trách nhiệm dịch Covid-19 cho Trung Quốc. Chỉ 24% đổ lỗi cho ông Trump.

Giới chức Nhà Trắng và nhiều nhà lập pháp Mỹ thời gian qua gia tăng chỉ trích cách Trung Quốc ứng phó dịch bệnh và thất bại trong nỗ lực khống chế bùng phát virus corona. Phía Mỹ cáo buộc giới chức Trung Quốc che đậy thông tin mang ý nghĩa then chốt về tình hình dịch bệnh, từ chối hợp tác với các tổ chức y tế quốc tế.

Về phần mình, giới chức Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ những cáo buộc nước này không khẩn trương hành động khi virus bùng phát.

Trả lời chất vấn của Washington Post, một người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia tại Nhà Trắng chỉ nói “không bình luận về thảo luận nội bộ”.

Ngày 27/4, tại cuộc họp báo của Nhà Trắng về ứng phó Covid-19, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẽ tìm cách đòi Trung Quốc hàng trăm tỷ USD bồi thường thiệt hại.

Ông cũng tiết lộ đang cân nhắc thêm biện pháp trừng phạt Trung Quốc, nhưng không nói cụ thể các dự định. Khi được hỏi về khả năng đòi bồi thường tài chính từ Trung Quốc, Tổng thống Trump chỉ nói: “Chúng ta có những cách dễ hơn”.

Trước những căng thẳng thời gian qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngày 30/4 nhấn mạnh “kẻ thù” của Mỹ là virus chứ không phải Trung Quốc. “Họ nên tập trung vào khống chế dịch tại nước mình và hợp tác quốc tế, thay vì bôi nhọ Trung Quốc và đổ trách nhiệm cho Trung Quốc”.

Nhật Linh