Mục tiêu tăng trưởng năm 2023 của Top 5 địa phương tăng trưởng GRDP cao nhất Việt Nam

Khép lại năm 2022, Việt Nam ghi nhận nhiều địa phương đạt mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay; trong đó 5 địa phương tăng trưởng GRDP cao nhất gọi tên Khánh Hoà, Bắc Giang, Đà Nẵng, Hậu Giang và Hưng Yên. Vậy bước sang năm 2023, 5 địa phương này đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ra sao?

Khánh Hoà phấn đấu GRDP tăng 8,7%

Sau 2 năm tăng trưởng âm do tác động nặng nề của đại dịch bệnh Covid-19, năm 2022 ước tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Khánh Hoà tăng 20,7% so với năm 2021, ở vị trí đứng đầu cả nước.Thu ngân sách nhà nước ước đạt 16.016 tỷ đồng, vượt 33,3% dự toán và tăng 13,8% so với năm ngoái.

UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết năm 2023, tỉnh đặt mục tiêu GRDP ước tăng 8,7%, GRDP bình quân đầu người ước đạt 84,8 triệu đồng/người. Chỉ tiêu thu ngân sách ước đạt 15.445 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 71.300 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022. Đối với các chỉ tiêu xã hội, Khánh Hòa sẽ phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo ước đạt 0,56%. Số lao động có việc làm tăng thêm trong năm khoảng 11.500 người. Số giường bệnh đạt 36 giường/10.000 dân, có 11,5 bác sĩ/10.000 dân.

Trong năm 2023, UBND tỉnh đặt ra mục tiêu đẩy nhanh việc tổ chức thực hiện các quy hoạch quan trọng của tỉnh sau khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt như: quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh quy hoạch chung Tp.Nha Trang; điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm… Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bổ sung khai thác nguồn thu; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và thúc đẩy phát triển kinh tế số, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Cũng trong năm bản lề này, tỉnh Khánh Hòa sẽ đẩy mạnh công tác kêu gọi, xúc tiến đầu tư; tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đầu tư ngoài ngân sách; đồng thời tích cực mời gọi, thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào Khánh Hòa nhằm tranh thủ tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 55/2022/QH15.

Bắc Giang nỗ lực hoàn thành 18 chỉ tiêu chủ yếu

Khép lại năm 2022, tăng trưởng GRDP của tỉnh Bắc Giang ước đạt 19,8% (gấp gần 2,5 lần bình quân chung cả nước), cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ hai cả nước. Dự kiến 17/18 chỉ tiêu chủ yếu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, trong đó có 10 chỉ tiêu đạt kế hoạch và 7 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Tại Hội nghị thông tin báo chí tình hình KT-XH năm 2022; mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm 2023, tỉnh Bắc Giang phấn đấu năm 2023 sẽ hoàn thành 18 chỉ tiêu chủ yếu gồm: tốc độ tăng GRDP đạt 14,5%, phấn đấu duy trì trong nhóm dẫn đầu cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 3.850 USD; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn giai đoạn 2021 – 2026) còn 3%; thu ngân sách trên địa bàn trên 15.000 tỷ đồng; huy động vốn toàn xã hội 88,6 nghìn tỷ đồng…

Để hoàn thành, UBND tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: đổi mới tư duy trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; củng cố, phát triển các động lực tăng trưởng mới; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng thu hút đầu tư, tạo điều kiện phát triển các thành phần kinh tế; đẩy mạnh thu ngân sách; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị….

Đà Nẵng đặt mục tiêu GRDP ước tăng 6,5-7%

Với chủ đề năm 2022 là “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội”, kinh tế Tp.Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nổi bật nhất là tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 tăng 14,05% so với năm 2021, vượt xa so với mục tiêu đề ra là 6-7%, đứng thứ ba cả nước về tốc độ tăng trưởng và phục hồi kinh tế.

Bước sang năm 2023, lãnh đạo Thành phố xác định chủ đề năm nay là “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội”. Thành phố cũng đặt mục tiêu phấn đấu GRDP (giá so sánh 2010) năm 2023 ước tăng 6,5-7%.

Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, Thành phố sẽ tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm: tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh theo các Đề án, chương trình đã đề ra; tăng cường xây dựng Đảng, tăng trường công tác thanh tra, điều tra, kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng; chăm lo an sinh xã hội; đảm bảo an ninh quốc phòng, an toàn xã hội.

Hậu Giang duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 10%

Năm 2022, Hậu Giang đã thực hiện đạt và vượt 18/18 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế – xã hội, trong đó có 13 chỉ tiêu vượt kế hoạch và 5 chỉ tiêu đạt kế hoạch.

Trong năm qua, kinh tế của tỉnh tiếp tục phục hồi nhanh và đạt mức tăng trưởng cao 13,94%, đứng đầu vùng ĐBSCL và vươn lên thứ 4 cả nước (tăng trên 30 bậc so với năm 2021). Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất kể từ khi thành lập tỉnh đến nay. Quy mô nền kinh tế tiếp tục được nâng lên, tăng từ 39.604 tỉ đồng lên 48.018 tỉ đồng.

Về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, Hậu Giang phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 10%; GRDP bình quân đầu người đạt 75 triệu đồng/người, tương đương 3.024 USD; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 1.140 triệu USD; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6.518 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn theo giá hiện hành 20.500 tỷ đồng…Tỉnh sẽ huy động tối đa các nguồn lực, triển khai, thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, chú trọng “4 trụ cột” phát triển (công nghiệp, nông nghiệp, đô thị, du lịch); đồng thời bố trí, phân bổ nguồn lực đảm bảo hiệu quả kinh tế và xã hội.

Hưng Yên quyết tâm đạt mục tiêu GRDP tăng 7%

HĐND tỉnh Hưng Yên vừa thông qua Nghị quyết tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Hưng Yên năm 2022 với tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 13,4%, cao nhất trong 12 năm gần đây. Chỉ số công nghiệp tăng 10,5%; giá trị sản xuất xây dựng tăng 41,52%; giá trị sản xuất thương mại dịch vụ tăng 19,32%; giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản tăng 2,5%

Tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP/người) đạt 102,3 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế: công nghiệp, xây dựng 63,91%; thương mại, dịch vụ 28,60%; nông nghiệp, thủy sản 7,49%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 6,3 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt hơn 57 nghìn tỷ đồng. Thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 50.000 tỷ đồng.

Năm 2023, tỉnh Hưng Yên phấn đấu GRDP tăng 7%; tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP/người) đạt 112 triệu đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 7 tỷ USD; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 63.500 tỷ đồng; thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 22,9 nghìn tỷ đồng, tổng chi ngân sách đạt hơn 20,1 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt 45%; có thêm 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn1,6%…

Quốc Bảo