Morocco ra mắt phi đội máy bay không người lái để xử lý virus từ trên không
Morocco đã nhanh chóng mở rộng đội máy bay không người lái của mình trong cuộc chiến đấu với đại dịch COVID-19, triển khai chúng để giám sát trên không, dịch vụ thông báo công cộng và tẩy trùng.
Yassine Qamous, giám đốc của Droneway Maroc, nhà phân phối châu Phi cho công ty máy bay không người lái hàng đầu Trung Quốc DJI nói. “Đây là một cơn hỗn loạn thực sự. Chỉ trong vài tuần, nhu cầu đã tăng gấp ba lần ở Morocco và các quốc gia khác trong khu vực”,
Các công ty Morocco đã sử dụng máy bay không người lái trong nhiều năm và Qamous nói rằng “đây là một trong những quốc gia tiên tiến nhất ở châu Phi” sở hữu máy bay không người lái, với một cơ sở công nghiệp chuyên dụng, các nhà nghiên cứu và phi công có trình độ.
Nhưng các quy định hạn chế từ lâu đã giới hạn máy bay không người lái dân sự vào mục đích sử dụng cụ thể như quay phim, nông nghiệp, giám sát các tấm pin mặt trời và lập bản đồ.
Điều đó đã thay đổi nhanh chóng khi chủng virus Corona càn quét thế giới.
Trong những tuần gần đây, các nhà chức trách đã sử dụng máy bay không người lái để đưa ra cảnh báo, xác định hành động đáng ngờ trên đường phố và giải tán các cuộc tụ tập trên sân thượng và ban công bất hợp pháp.
Biện pháp phong tỏa chặt chẽ áp đặt vào tháng ba đã không được nghiêm chỉnh chấp hành, với phương tiện truyền thông địa phương đưa tin về các cuộc tụ tập vào ban đêm của hàng xóm và những người cầu nguyện tập thể trên mái nhà, ngoài tầm nhìn kiểm soát của tuần tra đường phố.
Công nghệ quan trọng
Tuần trước, chính quyền địa phương ở Temara, một thị trấn gần thủ đô Rabat, đã ra mắt một hệ thống giám sát trên không có độ chính xác cao được phát triển bởi công ty địa phương Beti3D, trước đây chuyên về lập bản đồ trên không.
Các quốc gia khác ở Châu Âu, Châu Á và Trung Đông cũng đã áp dụng công nghệ được triển khai ở Trung Quốc kể từ khi bắt đầu đại dịch, dùng để theo dõi các hành động di chuyển của công dân, khử trùng không gian công cộng hay phục vụ giao hàng.
Theo trang web của DJI, cho đến nay là nhà sản xuất máy bay không người lái hàng đầu thế giới: “Máy bay không người lái đã nhanh chóng nổi lên như một công nghệ quan trọng đối với các cơ quan an toàn công cộng trong cuộc khủng hoảng này khi chúng có thể giám sát các không gian công cộng một cách an toàn”.
Giống như hầu hết các quốc gia, Morocco chủ yếu sử dụng máy bay không người lái nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhưng sự xuất hiện của các ứng dụng mới liên quan đến đại dịch cũng đang thúc đẩy sản xuất các máy bay chuyên dụng trên không.
Abderrahmane Krioual, người đứng đầu Farasha, một công ty khởi nghiệp đã gây quỹ để sản xuất máy bay không người lái để giám sát nhiệt và phun thuốc khử trùng trên không cho biết: “Đây là nhu cầu thực sự”,
Bộ phận hàng không của Đại học Quốc tế Rabat (UIR) đã cung cấp các phương tiện, chuyên môn và nguyên mẫu của nó cho các nhà chức trách vào tháng 3, triển khai máy bay không người lái với loa hoặc camera hồng ngoại có thể phát hiện các hành động vào ban đêm hoặc phát hiện cá nhân có nhiệt độ cao.
Mohsine Bouya, giám đốc phát triển và chuyển giao công nghệ của trường đại học cho biết, một số dự án đang được tiến hành trên cả nước trước khi triển khai rộng rãi các mô hình máy bay không người lái khác nhau.
Các nhóm cũng đang phát triển các ứng dụng theo dõi, nhưng “chúng tôi sẽ phải chờ thay đổi luật pháp” trước khi phóng chúng, ông nói.
Chính quyền Morroco từ chối bình luận về việc sử dụng máy bay không người lái hoặc những con số được triển khai kể từ khi bắt đầu tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng vào giữa tháng 3.
Văn hóa phong tỏa độc hại
Không giống như ở một số quốc gia, việc sử dụng máy bay không người lái giám sát đã không gây ra cuộc tranh luận công khai ở Morocco, nơi phản ứng quyết đoán của vương quốc đối với đại dịch được ủng hộ rộng rãi.
Marocco đóng cửa biên giới sớm và thực thi pháp luật với việc áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đối với người dân.
Chúng bao gồm các hạn chế di chuyển và bắt buộc đeo khẩu trang, với lệnh giới nghiêm vào ban đêm kể từ khi bắt đầu tháng chay Ramadan của người Hồi giáo – được thi hành bởi sự hiện diện dày đặc của cảnh sát.
Những người bị kết tội vi phạm các biện pháp cách ly phong tỏa phải đối mặt với án tù từ một đến ba tháng, mức phạt tương đương 125 đô la hoặc cả hai.
Các quan chức cho biết cảnh sát đã bắt giữ 85.000 người vì vi phạm các biện pháp phong tỏa trong khoảng thời gian từ 15 tháng 3 đến 30 tháng 4, dẫn tới 50.000 vụ truy tố.
Các nhà chức trách cho biết các biện pháp này đã hạn chế việc lây lan virus, với 5.053 trường hợp nhiễm COVID-19 được báo cáo bao gồm 179 trường hợp tử vong và 1.653 phục hồi kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu.
Xuân Thịnh (Theo AFP)