M&A ngân hàng và những đặc thù riêng

Tháng 8/2018 này, PGBank sẽ chính thức sáp nhập với HDBank và hiện 2 ngân hàng này đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng. Ngoài PGBank, một số ngân hàng khác cũng đang ráo riết tìm đối tác phù hợp để sáp nhập như MBBank, Lienvietpostbank…Hàng loạt kế hoạch sáp nhập được công bố kỳ vọng sẽ làm “nóng” thị trường mua bán, sáp nhập (M&A) ngân hàng vốn đang im lìm.

Phân tích nguyên do thị trường M&A ngân hàng “chựng” lại thời gian qua, TS. Võ Trí Thành – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho biết đầu tiên phải kể đến những ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư xuất phát từ những khó khăn của quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng (thay đổi bộ máy nhân sự tại các ngân hàng, xử lý những đại án gây rúng động ngành ngân hàng….). Thứ hai, việc nới room (tỷ lệ sở hữu) cho nhà đầu tư FDI tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa được thông qua gây trở ngại cho việc tìm kiếm đối tác chiến lược. Ngoài ra còn phải tính đến trường hợp các ngân hàng có sự thay đổi chiến lược, cân nhắc lại chuyệnmua bán, sáp nhập.

Theo ghi nhận của ông Thành, hiện các thương vụ M&A ngân hàng có tỷ lệ thành công cao hơn hẳn  so với mấy năm trước bởi tình hình hoạt động của các ngân hàng đã khả quan hơn,  kinh tế vĩ mô tăng trưởng ổn định, sức hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện…. Ngoài ra để đảm bảo yêu cầu tăng vốn đáp ứng các quy định theo tiêu chuẩn Basel II, bản thân các ngân hàng cũng chủ động hơn trong việc tìm kiếm đối tác sáp nhập. Tuy nhiên bên cạnh những mặt thuận lợi, các thương vụ M&A cũng đối mặt với không ít “rào cản”, nhất là về phương thức quản trị, tính toán chiến lược thâu tóm đến mức nào, văn hóa kinh doanh… Những yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành bại của các thương vụ M&A. “Theo tôi để tăng xác suất thành công cho thương vụ M&A ngân hàng, hai bên đối tác phải đảm bảo một số nguyên tắc, và điều quan trọng là phải thực sự hiểu nhau. Điều này đòi hỏi vấn đề trao đổi thông tin phải hai chiều và thật chuẩn xác; ngoài ra ngay từ đầu các bên phải minh bạch về mục đích và thực hiện đúng các cam kết” – ông Thành khuyến nghị.

Theo vị chuyên gia này, các thương vụ M&A ngân hàng dù bắt buộc hay tự nguyện, muốn thành công  đều cần phải hội tụ đầy đủ các điều kiện, và quan trọng là phải có người giàu kinh nghiệm giữ vai trò điều phối, dẫn dắt. Minh chứng cho nhận định này, ông Thành cho biết ngay thương vụ M&A đầu tiên giữa 3 ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã phải cử người có trình độ, năng lực, kinh nghiệm nhất là quản trị rủi ro từ một ngân hàng thương mại lớn sang hỗ trợ. Ngoài ra các ngân hàng cũng phải công khai, minh bạch tình hình tài chính để tạo nền tảng giúp ban lãnh đạo mới sớm đưa ra được chiến lược phát triển phù hợp, hiệu quả cho ngân hàng sau sáp nhập.

Để quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng diễn ra theo đúng kỳ vọng, từng bước ổn định hệ thống một cách lâu dài, yêu cầu đầu tiên chính là vấn đề tài chính, gắn liền theo đó là chiến lược kinh doanh. Hiện chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là khuyến khích các ngân hàng nhỏ sáp nhập để tăng năng lực cạnh tranh. “Cá nhân tôi cho rằng chủ trương này hoàn toàn đúng đắn nhưng điều quan trọng là phải thấy được hoạt động M&A trong ngân hàng thường chậm hơn các lĩnh vực kinh tế khác bởi tính nhạy cảm chính trị, quy mô vốn lớn, liên quan đến những vấn đề tồn đọng nợ xấu… Đây đều là những “rào cản” không phải trong một sớm một chiều đã có thể giải quyết dễ dàng và tìm được tiếng nói chung. Chung quy lại, để đánh giá xem một thương vụ M&A trong lĩnh vực ngân hàng thành công hay không cần phải có thời gian dài hơn so với các lĩnh vực khác” – ông Thành nhấn mạnh.

Song Thanh