Lý do hòn đảo ở Bali không còn ngập trong rác

Năm năm trước, các bãi biển trên Nusa Lembongan, một hòn đảo thiên đường cách Bali nửa giờ đi tàu cao tốc, chìm trong những loại rác thải gây ô nhiễm phần lớn khu du lịch nổi tiếng nhất của Indonesia.

Ngày nay, bờ biển của Nusa Lembongan sạch bóng và dòng sông từng bị ô nhiễm nặng nề, nơi có hệ thống rừng ngập mặn rộng lớn, đã đổi khác.

Sự thay đổi này phần lớn là nhờ Trung tâm Tái chế Lembongan (LRC), một cơ sở do cộng đồng điều hành, thu gom rác hai lần mỗi ngày từ các doanh nghiệp, hộ gia đình và các điểm thu gom rác thải trên đảo, sau đó phân loại và nén giấy, nhựa, kim loại và kính để bán.

Sáng kiến này không chỉ nâng cao nhận thức về môi trường của người dân trên đảo mà còn mang lại giá trị thực sự cho rác thải, mang lại cho người dân động lực tài chính để dọn dẹp nhà cửa của họ.

Margaret Barry, một người Australia sáng lập Tổ chức Trẻ em Bali, một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ tài chính cho LRC, nói với Al Jazeera: “Rừng ngập mặn đã được dọn sạch kim loại, bao gồm cả động cơ thuyền và xe máy cũ, khi người dân địa phương phát hiện ra kim loại này có giá trị”.

Theo truyền thống, 8.000 người của Nusa Lembongan kiếm sống bằng nghề đánh cá và trồng rong biển. Điều đó bắt đầu thay đổi khoảng 20 năm trước sau khi hòn đảo được phát hiện bởi những người lướt sóng và thợ lặn từ Bali đang tìm kiếm những con sóng và rạn san hô vắng vẻ.

Trong khi du lịch mang lại cơ hội kinh tế cho Nusa Lembongan, nó cũng mang lại một lượng lớn chất thải vô cơ. Theo thời gian, chai nước nhựa, ống hút và các loại rác khác được đổ vào một bãi rác được cho là tạm thời trên đảo khuất tầm nhìn và khuất tầm quan tâm của du lịch, vốn tập trung ở ven biển. Trong vòng một thập kỷ, bãi rác đã trở thành một ngọn núi nhỏ phun khói độc hại từ các đám cháy thông thường – cách duy nhất mà người dân đảo biết để loại bỏ rác.

Vào năm 2016, Pilot, một người dân trên đảo, đã thành lập một trạm phân loại rác thải nhựa đơn giản trên một mảnh đất mà anh ta sở hữu ở giữa hòn đảo. Nhưng với nguồn tài chính hạn chế, chỉ một phần chất thải được tạo ra trên đảo được tái chế.

Vào năm 2017, Putu, một nhân viên tại trạm phân loại, đã tiếp quản cơ sở và dựng lên một tòa nhà nhỏ trên địa điểm.

LRC ra đời vào năm sau khi một nhóm bảo trợ bao gồm doanh nghiệp xã hội Bali Hope, nhóm cộng đồng Những người bạn của Lembongan và Tổ chức Trẻ em Bali, cũng như các khách sạn và nhà hàng địa phương, bỏ tiền mua máy móc và nhân viên.

Đột nhiên, người dân trên đảo có lựa chọn gửi hàng tấn chất thải để tái chế, vận chuyển ra khỏi đảo và bán, thay vì đốt hoặc cho vào bãi rác.

Mitchell Ansiewicz, chủ sở hữu của Ohana’s, một khu nghỉ mát bên bờ biển ở Nusa Lembongan trả cho LRC 50 đô la mỗi tháng để thu gom rác, cho biết thành công của sáng kiến này có thể là do cách tiếp cận hợp tác của nó.

Ansiewicz nói với Al Jazeera: “Nusa Lembongan thu hút rất nhiều thợ lặn, người lướt sóng và thiền sinh – những người có xu hướng quan tâm đến môi trường và những người muốn đóng góp. Nhiều người trong số họ đã bắt đầu các sáng kiến trong nhiều năm, chẳng hạn như làm sạch bãi biển, v.v. LRC đã có sự tham gia tích cực của người nước ngoài và cộng đồng địa phương. Khi các lực lượng kết hợp với nhau, vốn và lao động, nó đã tạo ra sự khác biệt to lớn đối với môi trường sạch sẽ của hòn đảo”.

Loan Nguyễn