Lợi thế của Việt Nam khi tham gia Hiệp định EVFTA

Hiệp định thương mại và thỏa thuận bảo hộ đầu tư với Liên minh châu Âu (EVFTA) đem lại vị thế mới cho Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU)

Trong bối cảnh phức tạp của kinh tế toàn cầu, đà tăng trưởng của Việt Nam đã chậm lại trong những tháng đầu năm 2019. Tốc độ tăng trưởng GDP theo đánh giá so sánh tuy vẫn đạt ở mức đáng khích lệ 6.8% trong Quý 1/2019 nhưng đà tăng trưởng đã chậm lại đáng kể so với mức 7.5% trong Quý 1 năm 2018 và 7.1% trong cả năm 2018. Kinh tế tăng trưởng chậm lại trong Quý 1 có một số nguyên do. Sản lượng nông nghiệp giảm tốc trong điều kiện dịch tả lợn châu Phi và giá cả quốc tế suy giảm. Nhu cầu bên ngoài yếu đi khiến cho tăng trưởng giảm đà ở các ngành chế tạo, chế biến định hướng xuất khẩu cũng như hoạt động xuất khẩu nói chung. Mặc dù Việt Nam dường như được hưởng lợi về chuyển hướng thương mại khi căng thẳng thương mại hiện nay giữa Trung Quốc và Mỹ. Đầu tư trong nước cũng giảm do tín dụng tăng thấp và giải ngân đầu tư công chậm một phần vì các nỗ lực củng cố ngân sách. Các chỉ báo kinh tế vĩ mô quan trọng khác như tín dụng chậm lại, lạm phát ở mức thấp và giá trị nhập khẩu giảm tốc … phần nào ngầm định về tình trạng hoạt động kinh tế đang chậm lại theo tính chu kỳ. Việt Nam đang cần một cú hích thật sự trước thềm năm 2020, khi mà Việt Nam sẽ đảm đương vị trí Chủ tịch của khu vực ASEAN.

Về phía EU, việc đẩy mạnh để kết thúc các thỏa thuận thương mại như một sự đáp trả mạnh mẽ đối với Brexit về mặt chính trị cũng như về mặt kinh tế. Sự kiện Brexit sẽ tạo thành một thách thức trực tiếp đối với một trong những lý do cơ bản cho sự tồn tại của EU: lợi ích của việc củng cố chủ quyền như một khối thương mại. Không có gì ngạc nhiên khi các nhà lãnh đạo Châu Âu đã tăng gấp đôi sự nỗ lực để ký kết các thỏa thuận thương mại kể từ đó. Qua đó, Châu Âu mong muốn lấp đầy khoảng trống mà Hoa Kỳ để lại với tư cách là người ủng hộ thương mại tự do hàng đầu. Trong những tháng gần đây, ủy viên thương mại EU, bà Cecilia Malmström, ngày càng thể hiện về tham vọng của EU trong bối cảnh này khi tuyên bố rằng châu Âu đã gửi một tín hiệu rất mạnh mẽ rằng “chúng tôi tin vào thương mại”.

Hiệp định EVFTA đã được ký kết vào ngày 30 tháng 6 năm 2019 vừa qua đã đem lại những vị thế mới của cả hai bên: Việt Nam và EU với những lợi ích về cả kinh tế và chính trị. Việt Nam trở thành thành viên thứ hai của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), sau Singapore, ký kết một Hiệp định thương mại lớn với EU. Đối với EU, Hiệp định này còn chiếm nhiều sự quan tâm của cộng đồng so với thỏa thuận của EU với khối thương mại Nam Mỹ Mercosur chỉ vài ngày trước đó vì thỏa thuận EVFTA có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với mối quan hệ của Việt Nam với Châu Âu, mà còn đối với vai trò rộng rãi hơn của EU tại ASEAN. Quan hệ của EU với hai thành viên ASEAN là Indonesia và Malaysia đã bị hủy hoại đáng kể do sự tranh cãi từ lệnh cấm của EU đối với việc sử dụng nhiên liệu sinh học làm từ dầu cọ. Mục tiêu dài hạn của EU là sử dụng các thỏa thuận thương mại song phương với các thành viên ASEAN để hướng tới một Hiệp định thương mại tự do giữa các khu vực. Theo sau Singapore và Việt Nam, khả năng mục tiêu tiếp theo sẽ là Indonesia. Thỏa thuận EVFTA này còn cho phép EU tăng cường khả năng của mình hơn với tư cách là người bảo vệ chính cho thương mại tự do và đa phương, vào thời điểm mà chính sách bảo hộ của Donald Trump và một cuộc xung đột thương mại kéo dài giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục là các vấn đề thời sự kinh tế toàn cầu.

EVFTA, theo một số nghiên cứu, EVFTA thậm chí còn mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam hơn cả CPTPP do triển vọng của thị trường châu Âu là rất lớn trong khi với CPTPP, hầu hết các thành viên quan trọng đều đã có FTA với Việt Nam. Trong khi đó, hầu hết các thành viên của EU đều chưa có FTA với Việt Nam, có nền kinh tế phát triển đồng đều, ở trình độ cao, sự tham gia gắn kết với khu vực Đông Nam Á chưa nhiều nên cơ hội thị trường mở cho Việt Nam sẽ rất lớn

Có những lợi ích kinh tế rõ ràng cho cả hai bên, với việc giảm 99% thuế quan dự kiến. Từ ngày đầu tiên, khoảng 65% hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ được miễn thuế, với hầu hết các hàng xuất khẩu khác sẽ được tự do hóa hoàn toàn trong 10 năm tới. Đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU, 71% hàng xuất khẩu sẽ được miễn thuế ngay từ ngày đầu tiên, với 99% được miễn thuế xuất nhập khẩu trong vòng bảy năm.

Hiệp định EVFTA rõ ràng mang lại những vị thế nhất định cho Việt Nam và EU thông qua  những lợi ích chính trị kinh tế. Tuy nhiên, sự cân bằng giữa các giá trị xã hội và lợi ích kinh tế đang là một thách thức để hiệp định có thể được Nghị viện EU phê duyệt trong khi nhiều nước châu Âu coi các thỏa thuận thương mại chỉ đơn giản là công cụ để tăng thêm lợi ích kinh tế, thì những nước khác cho rằng các sự nhượng bộ thương mại nên được áp dụng để khuyến khích đạt được các mục tiêu định hướng giá trị, như tăng cường bảo vệ môi trường và nhân quyền. Đạo luật cân bằng này được thể hiện trong hầu hết các mối quan hệ đối ngoại của EU trên toàn thế giới.

Đối với Việt Nam, bất kể điều gì xảy ra tiếp theo, Việt Nam sẽ là người giành chiến thắng lớn từ những phát triển gần đây trong thương mại toàn cầu. Có thể nói, Việt Nam không chỉ có được trực tiếp từ cuộc xung đột thương mại giữa Trung Quốc – Hoa Kỳ, mà còn được hưởng lợi thông qua thỏa thuận với EU. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những lợi ích kinh tế ngắn hạn. Về trung và dài hạn sẽ có những hệ lụy tiêu cực nếu như Việt Nam không nâng cao được khả năng cạnh tranh. Đặc biệt là với các doanh nghiệp sản xuất và công nghiệp Việt Nam, nếu như không có chiến lược nâng cao năng suất, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm thì không những không thể thâm nhập được vào thị trường EU có hàng rào kỹ thuật khắt khe nhất trên thế giới  mà còn thất bại ngay tại thị trường nội địa. Điều đó cũng có thể giải thích cho việc tại sao hiện nay ngoài hai nước là Singapore (nước hầu như không có ngành sản xuất và công nghiệp) và Việt Nam, các nước ASEAN khác vẫn chưa phát triển và ký kết các hiệp định FTA với EU.

                                                                                                                                          T. Công