Lợi nhuận kép từ mô hình trồng xen canh mận với cà phê
Xác định cà phê và mận hậu là cây trồng chủ lực, trên địa bàn huyện Yên Châu – tỉnh Sơn La đã hình thành nhiều vùng chuyên canh cà phê xen mận hậu. Thông qua mô hình này, người nông dân có thể tăng hiệu quả sử dụng đất một cách tối ưu, tăng thêm thu nhập, tránh độc canh gây mất mùa, trượt giá.
Từ lâu mận hậu đã trở thành cây trồng gắn bó mật thiết với đồng bào vùng cao thành phố Sơn La, Mộc Châu, Yên Châu, Thuận Châu, Vân Hồ, Sông Mã, Mường La, Mai Sơn, Phù Yên, Bắc Yên và Sốp Cộp. Cây thích nghi tốt với khí hậu và điều kiện tự nhiên nơi đây nên nhanh chóng trở thành đặc sản chủ lực của tỉnh Sơn La, góp phần đa dạng hóa cơ cấu cây trồng tại địa phương. Đặc biệt chất lượng quả mận hậu Sơn La ngon, ngọt nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng.
Tại huyện Yên Châu, cây mận hậu được đưa vào trồng từ rất lâu song do hiệu quả kinh tế kém, tình trạng được mùa mất giá nên người dân dần chặt bỏ, chuyển sang trồng các loại cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Từ sau năm 1993 trở đi, với sự hướng dẫn của ngành nông nghiệp địa phong, nông dân nơi đây mới bắt đầu trồng xen mận hậu với một số cây công nghiệp như cà phê, chè. Thông qua mô hình xen canh này đã giúp nông dân tăng hiệu quả sử dụng đất một cách tối ưu nhất, nâng cao năng suất – sản lượng cây trồng góp phần tăng thêm thu nhập cho bà con, tránh thế độc canh gây mất mùa, trượt giá.
Trong đó HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Quyết Thắng là một trong những đơn vị tiên phong trên địa bàn xã Yên Sơn, huyện Yên Châu về phát triển mô hình trồng xen canh cà phê – mận hậu với diện tích khoảng 20 ha, trong đó 15 ha mận hậu đã được chứng nhận VietGAP cho sản lượng 300 tấn quả/năm.
Mận hậu quả to, giòn ngọt thanh vốn là đặc sản nổi tiếng của Sơn La. Ảnh: Bizmedia
Tỷ lệ xen canh mận:cà phê là 1:1. Cây mận có tán rộng nên giúp cây cà phê ít bị ảnh hưởng bởi sương muối. Bà con xã viên cũng áp dụng theo tiêu chuẩn quy trình VietGAP thực hiện 4 đúng, không dùng thuốc hóa học, chỉ dùng thuốc có lợi cho môi trường. Sau khi thu hoạch mận xong, bà con còn ủ phân đầu trâu, phân vi sinh vào gốc mận, chăm sóc cà phê thêm 4-5 tháng. Cà phê sẽ cho thu từ tháng 10 trở đi, tiếp sau đó là thu mận. Bên cạnh mận hậu đã là đặc sản với giá bán trung bình 5.000 – 6.000 đồNg/kg, cà phê cũng được thương lái ưa chuộng bởi nhân chắc, sáng đều, chất lượng thơm ngon đặc trưng của hạt cà phê Sơn La.
Vườn mận hậu trồng xen với cà phê. Ảnh Bizmedia
Ông Nguyễn Văn Khoát – Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Quyết Thắng cho biết nếu trồng độc lập cây cà phê không thì năng suất không cao bằng trồng xen vào vườn mận. Đặc biệt thông qua mô hình trồng xen cây mận với cà phê, bà con xã viên có thể thu lợi nhuận kép trên một đơn vị diện tích đất với doanh thu mỗi năm tăng gấp đôi. Cụ thể bình quân mỗi hecta mận hậu thu về khoảng gần 90 triệu đồng/năm nhưng nhờ có thêm thêm cây cà phê, tổng doanh thu mỗi ha mận hậu – cà phê trung bình mỗi năm đạt khoảng 200 triệu đồng. “Bước sang năm 2019, HTX Quyết Thắng sẽ hợp tác với các siêu thị trên địa bàn tỉnh Sơn La cũng như các địa phương lân cận để đưa quả mận sạch đóng gói, có tem mác, xuất xứ rõ ràng vào hệ thống các siêu thị này; qua đó từng bước khẳng định thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ cho đặc sản quê hương” – ông Khoát chia sẻ.
Kim Phương