Lối đi nào cho hàng Việt trước cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung

Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung ngày càng leo thang có nguy cơ bùng nổ thành cuộc chiến thương mại sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới các nền kinh tế châu Á, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, bên cạnh thách thức, đây cũng đồng thời là cơ hội cho hàng hóa Việt Nam.

Nhiều cơ hội…

Chính quyền Tổng thống Donald Trump vừa công bố danh sách hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ trị giá 200 tỷ USD bị đánh thuế 10%, qua đó tiếp tục gia tăng căng thẳng thương mại với Trung Quốc. Danh sách các mặt hàng  bị áp thuế mới bao gồm hàng trăm sản phẩm thực phẩm cũng như thuốc lá, các loại hóa chất, than đá, thép, nhôm… với tổng trị giá lên tới khoảng 34 tỷ USD. Đây đều là mặt hàng liên quan đến chính sách Made in China 2025 mà Trung Quốc khởi xướng để vươn lên trở thành quốc gia dẫn đầu nền công nghiệp thế giới.

Quyết định của Tổng thống Trump được đưa ra sau khi ông chủ Nhà Trắng đã cảnh báo trước đó rằng ông có thể triển khai hàng rào thuế quan lên ít nhất là 500 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào nước này.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc ngay lập tức đáp trả tương xứng khi công bố danh sách các hàng hóa Mỹ bị nước này đánh thuế, trong đó bao gồm nhiều mặt hàng như: nông sản, ô tô, đậu tương, thủy sản, thịt lơn, xe điện, các loại xe điện hybrid… với tổng trị giá cũng khoảng 34 tỷ USD. Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố sẽ áp thuế quan lên hàng hóa Mỹ “tương xứng về quy mô và độ mạnh”, đồng thời khẳng định bất kỳ thỏa thuận nào đã đạt được giữa hai bên trong vấn đề thương mại đều không còn hiệu lực.

Động thái đáp trả của Trung Quốc làm dấy lên lo ngại cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới sắp sửa bùng nổ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế thế giới. Tuy nhiên nếu nhìn ở khía cạnh tích cực hơn, đây là được xem là cơ hội lớn cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng – Nghiên cứu viên cao cấp – Viện Nghiên cứu chiến lược&chính sách công thương (Bộ Công Thương), tranh chấp thương mại Mỹ – Trung sẽ là cơ hội cho sự tăng trưởng thương mại của Việt Nam. Cụ thể hàng hóa của Trung Quốc vào Mỹ khi bị đánh thuế thì sức cạnh tranh sẽ kém đi. Đây là cơ hội cho tất cả hàng hóa của Việt Nam vào Mỹ được thuận lợi hơn. Ông Thắng lấy ngành hàng cá tra làm ví dụ. Hiện nay mặc dù  chỉ chiếm 10% thị phần xuất khẩu cá tra vào Mỹ (Việt Nam chiếm tới 90%) song giá thành cá tra của Trung Quốc cao gần gấp đôi so với cá tra Việt Nam do nước này hầu như chỉ xuất khẩu các mặt hàng chế biến sẵn, giá trị gia tăng cao. Và dĩ nhiên khi cá tra Trung Quốc bị áp thuế quá cao thì các sản phẩm cá tra chế biến của Việt Nam được kỳ vọng sẽ là lựa chọn thay thế

Đồng quan điểm với chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng, TS.Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết hiện nay quy mô thương mại giữa hai nước Mỹ – Trung vào khoảng hơn 600 tỷ USD; chính vì vậy nếu kim ngạch xuất khẩu của Mỹ và Trung Quốc bị ảnh hưởng sẽ là cơ hội vàng cho các nước đang phát triển chen chân vào lấp khoảng trống. Nếu hàng hoá có sức cạnh tranh cao và biết tận dụng tốt mọi cơ hội có được, Việt Nam có thể nhân cơ hội này nâng cao kim ngạch xuất khẩu sang cả thị trường Mỹ lẫn Trung Quốc.

…Nhưng không ít thách thức

Bên cạnh những cơ hội, một khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung “khai hoả” sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ và thách thức. Theo TS. Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, một khi hàng hóa Trung Quốc “chất lượng Mỹ” không xuất khẩu được vào Mỹ sẽ đổ bộ vào các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó Mỹ và Trung Quốc đều là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam; khi quan hệ Mỹ – Trung căng thẳng, việc điều chỉnh cơ cấu xuất nhập khẩu của Trung Quốc theo hướng tăng lượng hàng hóa xuất khẩu vào Việt Nam và giảm nhu cầu nhập khẩu hàng hoá từ nước ta dễ dẫn đến nhiều hệ lụy như giảm kim ngạch xuất khẩu, tăng nhập siêu.

Để giảm thiểu các tác động tiêu cực nếu cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung bùng nổ, chuyên gia Phạm Tất Thắng khuyến nghị Việt Nam cần chú trọng giữ vững các thị trường xuất khẩu truyền thống, còn nhiều tiềm năng khai phá như châu Âu, Đông Âu; đồng thời tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) để mở rộng thị phần xuất khẩu của mình ra các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á Âu …Đặc biệt Hiệp định Đối tác toàn diện& tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hoá Made in Vietnam khi được tiếp cận với hệ thống máy móc – công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ 4.0 của các nước trong khu vực.

Điều quan trọng hơn cả là Việt Nam cần tận dụng cơ hội hàng Trung Quốc suy yếu vì bị đánh thuế để đưa hàng hóa thâm nhập sâu và chiếm lĩnh thị trường Mỹ. Tuy nhiên các doanh nghiệp cũng cần lưu ý nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa thông qua chất lượng sản phẩm chứ không phải xuất khẩu ồ ạt với giá rẻ, sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phòng vệ thương mại của Mỹ.

Theo: Nguyễn Cường