Lệnh trừng phạt của phương Tây chỉ khiến kinh tế Nga – Trung gắn kết hơn
Bối cảnh Mỹ và châu Âu liên tục “dội bom” trừng phạt lên Nga vô hình chung lại trở thành chất xúc đẩy nền kinh tế Moskva và Trung Quốc ngày càng xích lại gần nhau.
Mới đây Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên kể từ khi Moskva mở chiến dịch quân sự tại Ukraine đầu năm nay. Trước đó trong cuộc gặp mặt tại Olympic Bắc Kinh hồi tháng 2, cả hai vị lãnh đạo đã khẳng định tình hữu nghị bền chặt vượt lên trên mọi giới hạn, bất chấp việc Nga đang bị Mỹ và châu Âu cô lập cũng như áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt.
Đột phá tăng trưởng thương mại
Thương mại Nga – Trung đã có sự tăng trưởng vượt bậc khi Nga ráo riết tìm kiếm thị trường mới, về phía Trung Quốc cũng tích cực tìm kiếm nguồn hàng hóa giá rẻ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ khổng lồ của thị trường trong nước. Nỗ lực giải quyết khủng hoảng nhiên liệu trong nước đã đưa Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thụ dầu và than lớn nhất của Nga. Ở chiều ngược lại, Nga cũng tích cực tiêu thụ smartphone, xe hơi của Bắc Kinh. Moskva cũng trở thành thị trường hàng đầu cho tiền tệ Trung Quốc và các công ty Trung Quốc cũng đang ào ạt tràn vào đây hòng lấp đầy khoảng trống mà các nhãn hàng phương Tây để lại.
Thống kê của Hải quan Trung Quốc cho thấy trong tháng 8/2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Nga vào thị trường Trung Quốc đạt 11,2 tỷ USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở chiều ngược lại, trong tháng 8 kim ngạch xuất khẩu hàng Trung Quốc sang thị trường Nga cũng đạt 8 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và Nga đạt 117,2 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn với Trung Quốc, Nga hiện đóng góp 2,8% tổng kim ngạch thương mại nước này, cao hơn so với con số 2,5% hồi cuối năm 2021.
Kể từ trước khi chiến sự Nga – Ucraine bùng nổ, Trung Quốc đã là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, đóng góp tới 16% tổng kim ngạch ngoại thương của nước này. Còn ở thời điểm hiện tại, đặt trong bối cảnh Nga đang đứng trước nguy cơ suy thoái kinh tế vì các lệnh trừng phạt của phương Tây, vai trò của Bắc Kinh lại càng được khẳng định.
Ngân hàng Trung ương Nga đã ngừng công bố chi tiết các số liệu thương mại kể từ khi xung đột tại Ukraine nổ ra. Tuy nhiên theo phân tích của tổ chức tư vấn kinh tế tại châu Âu Bruegel, chỉ trong tháng 6/2022 ước tính Trung Quốc đóng góp tới 24% kim ngạch xuất khẩu của Nga. Con số này được Bruegel đưa ra dựa trên phân tích số liệu thống kê từ 34 đối tác thương mại hàng đầu của Nga thời gian gần đây.
Neil Thomas – nhà phân tích cấp cao tại Eurasia nhận định quan hệ thương mại Nga – Trung có sự tăng trưởng đột phá nhờ Trung Quốc đã tận dụng triệt để cơ hội mua dầu Nga giá rẻ và thay thế các doanh nghiệp châu Âu rời thị trường này. Trước đó vào tháng 5/2022, Nga cũng đã thay thế Saudi Arabia trở thành nước cung cấp dầu lớn nhất cho Trung Quốc và giữ vị trí này trong liên tiếp 3 tháng, cho đến tháng 7/2022. Thời điểm này, nhập khẩu than Nga của Trung Quốc cũng tăng lên mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây với 7,42 triệu tấn.
Nga tăng cường sử dụng đồng nhân dân tệ
Do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt của phương Tây, Moskva không thể tiếp cận thị trường tài chính toàn cầu và khó có USD, euro nên nhu cầu đồng nhân dân tệ tại nước này cũng tăng cao. Chỉ trong tháng 7, giao dịch nhân dân tệ trên sàn chứng khoán Moskva đã tương đương 20% tổng giao dịch các tiền tệ lớn; trong khi đó tỷ lệ này hồi tháng 1 chỉ là 0,5%.
Tháng trước khối lượng giao dịch nhân dân tệ – ruble hàng ngày cũng lập kỷ lục mới, vượt khối lượng giao dịch ruble – USD lần đầu trong lịch sử. Thống kê của SWIFT cho thấy trong tháng 7/2022, Nga là thị trường lớn thứ 3 thế giới cho các thanh toán bằng nhân dân tệ ngoài Trung Quốc; trong khi đó hồi tháng 2, Nga thậm chí còn không lọt vào top 15.
Đồng nhân dân tệ cũng được các công ty và ngân hàng Nga sử dụng nhiều trong các giao dịch thanh toán quốc tế. Tuần trước, đại gia khí đốt Nga Gazprom đã tuyên bố sẽ bắt đầu niêm yết giá khí đốt bằng nhân dân tệ và ruble; ngân hàng VTB cũng sẽ cho phép chuyển tiền bằng nhân dân tệ sang Trung Quốc.
Theo Neil Thomas, việc Nga tăng cường sử dụng đồng nhân dân tệ được xem như cú hích cho tham vọng quốc tế hóa đồng tiền này của Bắc Kinh, tiến tới giảm phụ thuộc vào các tổ chức tài chính phương Tây và tăng sức ảnh hưởng của đồng nhân dân tệ trên thị trường tài chính quốc tế.
Nỗ lực giải quyết khủng hoảng nhiên liệu trong nước đã đưa Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thụ dầu và than lớn nhất của Nga. Ở chiều ngược lại, Nga cũng tích cực tiêu thụ smartphone, xe hơi của Bắc Kinh. Số liệu từ hãng bán lẻ điện tử Nga M.Video-Eldorado cho thấy trong quý II/2022, Smartphone Trung Quốc chiếm đến 2/3 doanh số bán smartphone mới tại Nga. Tương tự thị phần của smartphone Trung Quốc tại Nga cũng đã tăng dần từ 50% trong quý Ilên 70% trong tháng 6/2022.
Cùng với điện thoại, xe hơi Trung Quốc cũng phủ kín các đường phố Nga và chiếm tới 26% thị phần trong tháng 8/2022 – cao hơn nhiều so với con số 9,5% hồi quý I. Trong khi đó những “ông lớn” toàn cầu như Ford, Toyota… đã sớm rút khỏi thị trường Nga.
Dẫu hợp tác thương mại Nga – Trung khá bền chặt song giới phân tích cho rằng mối quan hệ này vẫn có giới hạn. Minh chứng là Trung Quốc không hỗ trợ Nga về mặt quân sự hay công nghệ bởi điều này có thể khiến Bắc Kinh “rơi vào phạm vi trừng phạt của Mỹ”. Chưa kể kinh tế Trung Quốc năm nay cũng sụt giảm mạnh, hạn chế khả năng ông Tập hỗ trợ ông Putin. Các chính sách chống dịch và kiềm chế đầu cơ bất động sản đã kìm hãm đà tăng trưởng của Trung Quốc trong năm qua.
Hiếu Anh