Cấp chứng nhận cho máy bay COMAC C919, Trung Quốc tham vọng gia nhập ngành hàng không toàn cầu

Ngày 19/9 này, Trung Quốc chính thức cấp chứng nhận cho máy bay COMAC C919, giúp máy bay này tiệm cận với những chuyến bay thương mại đầu tiên. Sở dĩ Trung Quốc chọn ngày 19/9 vì trùng với tên của chiếc máy bay này.

Mẫu máy bay thân hẹp C919 có sức chứa 168 – 190 hành khách, tùy thuộc vào cấu hình và có tầm bay tối đa khoảng 3.450 dặm (5.555 km). Được biết C919 là sản phẩm của Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (Comac), được đầu tư sản xuất với tham vọng sẽ cạnh tranh ngang ngửa với các “ông lớn” như Airbus, Boeing…

Thông tin này được đưa ra khi dữ liệu của FlightRadar24 cho thấy hôm 13/9 đã có hai chiếc C919 đầu tiên hạ cánh tại sân bay ở Bắc Kinh. Hai máy bay được hộ tống bởi chiếc ARJ-21 – máy bay phản lực của Comac đã được đưa vào sử dụng trước đó.

Comac đã phải chờ đợi trong một thời gian dài mới được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bay cho C919. Chứng nhận của các cơ quan quản lý hàng không Trung Quốc được ví như “tấm vé thông hành” giúp C919 cất cánh các chuyến bay thương mại sau 14 năm nghiên cứu và phát triển. Trước đó vào năm 2017, C919 đã bay chuyến thử nghiệm đầu tiên nhưng đã lỡ thời hạn giao hàng lần đầu vào cuối năm 2021.

Dự kiến China Eastern Airlines sẽ là hãng hàng không đầu tiên vận hành C919. Theo kế hoạch, hãng hàng không này sẽ nhận một chiếc C919 trong năm nay, thay vì 3 chiếc. Comac cho biết đến thời điểm hiện tại Tập đoàn đã nhận được hàng trăm đơn đặt hàng C919 từ các hãng hàng không và các bên cho thuê ở Trung Quốc.

Vốn là một trong những thị trường hàng không dân dụng phát triển nhanh nhất thế giới, Trung Quốc sản xuất C919 với mục tiêu đáp ứng hiệu quả nhu cầu vận chuyển hàng không nội địa ngày càng tăng cũng như giảm dần sự phụ thuộc vào 2 hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới là Boeing và Airbus.

Vượt lên trên tất cả, tham vọng của Bắc Kinh là đưa Comac gia nhập ngành hàng không toàn cầu. Trong báo cáo năm 2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng đề cập đến C919 và ca ngợi đây là động lực thúc đẩy mô hình phát triển mới của Trung Quốc, bên cạnh các thành tựu khoa học kỹ thuật khác. C919 cũng chính là bệ phóng quan trọng giúp Trung Quốc ghi tên mình vào danh sách các nước ít ỏi có thể tự thiết kế và sản xuất máy bay (Mỹ, Nga, Brazil, Canada, Anh, Pháp và Đức).

Huy Hoàng