“Làm sao trong 15-20 ngày tới, có thể trong một tháng, không để dịch bùng nổ ở Việt Nam…”

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020. Phiên họp được kết nối trực tuyến tới 21 điểm cầu của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, 7 cơ quan thuộc Chính phủ và 2 thành phố Hà Nội và Tp.HCM.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chúng ta sẵn sàng hy sinh quyền lợi kinh tế trong ngắn hạn để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân

Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết thời gian qua Chính phủ đã rất chủ động, kịp thời, quyết liệt và có đối sách đúng đắn trong công tác phòng chống dịch Covid – 19, giữ ổn định nền kinh tế vĩ mô. “Mục tiêu hàng đầu là phải làm sao trong 15-20 ngày tới, có thể trong vòng một tháng, không để dịch bùng nổ ở Việt Nam. Để làm được điều này đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải đoàn kết, muôn người như một, quyết tâm cao nhất” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh các giải pháp phòng chống dịch bệnh, đảm bảo ổn định và phát triển kinh tế thì việc đảm bảo an sinh xã hội, bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid – 19 (lao động bị mất việc, người nghèo…) cũng được Chính phủ đặt lên hàng đầu theo nguyên tắc “Chỉ hỗ trợ đối với những đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc, không đảm bảo mức sống tối thiểu do Covid-19 gây ra, không hỗ trợ dàn trải mọi đối tượng”. Thủ tướng cũng yêu cầu, quá trình triển khai chính sách an sinh xã hội phải đảm bảo công khai, minh bạch và xác định rõ trách nhiệm cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, cân đối nguồn lực hợp lý giữa Trung ương, địa phương và các nguồn lực xã hội khác.

Chính phủ thống nhất cao dự thảo Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid -19. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan rà soát kỹ, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình Thủ tướng ký ban hành theo thẩm quyển. Về nội dung hỗ trợ, Thủ tướng đề nghị tính toán việc hỗ trợ 6 nhóm đối tượng trong 3 tháng với các mức nêu trong dự thảo Nghị quyết chặt chẽ hơn nhưng phải đúng nguyên tắc hỗ trợ đề ra.

Đánh giá về tình hình kinh tế – xã hội tháng 3 và quý I/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững trước các cú sốc bên ngoài. Quý I/2020, tăng trưởng đạt 3,82%, mức thấp nhất trong 10 năm qua nhưng là con số cao nhất trong số các nước có được số liệu tính đến thời điểm hiện nay. Nhân dịp này, Thủ tướng biểu dương một số địa phương đã có thành tích tốt trong điều hành phát triển kinh tế – xã hội (Hà Nội, Hải Phòng,…), tuy nhiên cũng có nhiều địa phương đạt tăng trưởng rất thấp như Tp.HCM (quý I/2020 chỉ đạt mức tăng trưởng 1%)

Bước sang quý II/2020, kinh tế – xã hội Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do nền kinh tế nước ta có độ mở lớn và tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường; dịch Covid-19 đang diễn biến rất nhanh, khó dự báo thời điểm đỉnh dịch và thời điểm kết thúc. “Khó khăn sẽ chồng chất trong quý II nhưng tinh thần của chúng ta là quyết liệt hơn nữa, nỗ lực phấn đấu hơn nữa đảm bảo nền kinh tế không bị “gãy, đổ”,  đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế và đạt tốc độ tăng trưởng cần thiết” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.

Thủ tướng cho biết các nước hiện triển khai 3 chính sách chủ yếu. Thứ nhất là chính sách nới lỏng tiền tệ thông qua giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng, hoãn, giãn nợ. Việc này Chính phủ Việt Nam cũng đã thực hiện thông qua ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. “Thực hiện Chỉ thị 11, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại đã khẩn trương bắt tay vào triển khai chính sách tiền tệ; tuy nhiên gói hỗ trợ này không chỉ dừng lại ở 250.000 tỷ đồng mà cần phải có giá trị lớn hơn nữa” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. 

Thứ hai là chính sách kích thích tài khóa thông qua giảm, giãn thuế, phí, tăng chi tiêu công; gói này không phải chỉ 30.000 tỷ đồng mà nâng lên 150.000 tỷ đồng, thậm chí lớn hơn để hỗ trợ trong lúc khó khăn này. Thứ ba là chính sách hỗ trợ người lao động mất việc, người nghèo, người yếu thế, bảo đảm an sinh xã hội, với tinh thần chuẩn bị đón bắt thời cơ, biến nguy thành cơ để phát triển khi dịch bị chặn đứng. “Cùng với các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, người nghèo, nhất là người yếu thế, mất việc thì những chính sách trên sẽ là “chiếc lò xo” giúp nền kinh tế “bật lên” sau dịch và chuẩn bị tinh thần “biến nguy thành cơ” để có tăng trưởng tốt hơn trong thời gian sớm nhất. Tinh thần là nhất quán quan điểm ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát” – Thủ tướng nhấn mạnh.

 Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam… thực hiện nhất quán nguyên tắc này. Trong đó chú trọng giữ ổn định giá trị đồng Việt Nam cũng như ổn định thị trường ngoại hối; phải có kịch bản điều hành, không để bị động, đảm bảo thanh khoản, đáp ứng nhu cầu ngoại tệ. Cùng với đó là kiểm soát chặt chẽ lạm phát theo kịch bản đề ra, đặc biệt phải thực hiện giảm giá thịt lợn, không tăng giá các dịch vụ thiết yếu và thực hiện giảm giá một số mặt hàng và dịch vụ; đảm bảo diện tích gieo trồng và sản lượng trên cơ sở cân đối hợp lý giữa các vùng miền; xây dựng kịch bản sản xuất nông nghiệp; kiểm soát chặt chẽ trong xuất khẩu lương thực gắn với đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; tăng cường cải cách hành chính, đẩy mạnh xây dựng thể chế, chuẩn bị tốt các dự án luật trình Quốc hội trong kỳ họp tới…

Trong vấn đề tài chính ngân sách, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền ban hành các mức thuế, phí, lệ phí, lãi suất, đồng thời, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, giảm thiểu chi phí hội nghị, công tác phí đi công tác tác nước ngoài…, đặc biệt phải đảm bảo đủ nguồn kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Tâm An