Làm phẳng đường cong lây nhiễm Covid – 19, kinh tế Việt Nam có thể khởi sắc trở lại

Đó là nhận định của World Bank (WB) trong bản tin cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5/2020. Cụ thể theo WB, kinh tế Việt Nam có thể sẽ khởi sắc trở lại sau khi nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội trên toàn quốc. Những hành động chống dịch nhanh chóng và quyết liệt của Việt Nam đã góp phần làm phẳng đường cong lây nhiễm Covid – 19.

Cũng như các quốc gia khác trên thế giới, nền kinh tế Việt Nam cũng bị tác động nặng nề bởi Covid-19. Mức tăng trưởng GDP ước đạt 3,8% trong quý đầu năm 2020 phần nào cho thấy kinh tế Việt Nam đã cầm cự khá tốt, tuy nhiên bước sang tháng 4 dấu hiệu suy giảm của nền kinh tế đã bộc lộ rõ qua các chỉ số kinh tế chủ đạo, nguyên nhân là do việc thực hiện cách ly xã hội trên toàn quốc. Theo đó trong tháng 4, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Việt Nam đã giảm 13,3% so với tháng 3, tương đương 10,5% (so cùng kỳ năm trước). Đây là mức giảm lớn nhất trong 10 năm qua, do tác động của dịch Covid-19 gây nên tình trạng thiếu hụt nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất; thêm vào đó các doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất. Tương tự doanh số bán lẻ cũng sụt giảm đến 9,6% so cùng kỳ năm trước, xuất phát từ các biện pháp cách ly xã hội, hạn chế tiếp xúc và đi lại (kể cả khi có dấu hiệu chuyển dịch sang thương mại điện tử).

Các hoạt động dịch vụ, chế tạo và chế biến cũng đều suy giảm đáng kể. Theo Tổng cục Thống kê, việc làm ở các ngành chế tạo và chế biến chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 1,2 triệu việc làm bị ảnh hưởng trong quý I; tiếp theo là 1,1 triệu việc làm trong các ngành bán buôn và bán lẻ, 740.000 trong các ngành lưu trú và ăn uống. Trong số bị ảnh hưởng, 59% bị mất việc tạm thời, 28% phải làm việc theo ca, còn lại 13% bị mất việc. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ước tính đại dịch có thể ảnh hưởng đến từ 4,6 đến 10,3 triệu người lao động vào cuối Quý 2.

Bên cảnh những “mảng tối”, theo WB, vẫn có một số dấu hiệu tích cực trong các chỉ số kinh tế Việt Nam cho thấy nền kinh tế có thể sẽ khởi sắc trở lại. Cụ thể về kinh tế đối ngoại, WB nhận định xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong những tháng đầu năm 2020, nhưng với tốc độ chậm hơn so với giai đoạn trước Covid-19. Trong giai đoạn tháng 1 đến tháng 4, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tăng 4,7% (so với tốc độ tăng trưởng 6,5% của cùng kỳ năm trước).

Trong bối cảnh rối ren, các nhà đầu tư FDI vẫn tiếp tục hướng sự quan tâm tới thị trường Việt Nam, thể hiện qua con số 12,3 tỷ USD  vốn FDI cam kết trong 4 tháng đầu năm 2020. Điều đáng ngạc nhiên là giá trị vốn FDI cam kết quay đầu bật lại trong tháng 4, tăng 81% so với tháng 3/2020 và 62% so với tháng 4/2019.

Sau khi chững lại trong 2 tháng đầu năm 2020, tăng trưởng tín dụng cũng bật tăng trở lại trong tháng 3. Tính đến cuối tháng 3, tăng trưởng tín dụng là 1,3% so với đầu năm – tương đương mức tăng khoảng 11% so với cùng kỳ năm trước. Giảm thu và tăng chi là điểm chung trong thực hiện ngân sách quý I/2020 và đây cũng được dự báo là xu hướng cho những tháng còn lại trong năm. Trong 3 tháng đầu năm, ước thực hiện thu ngân sách chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái và kết quả này cũng phần nào phản ánh hiệu quả thu tốt hơn trong hai tháng đầu trước khi hoạt động kinh tế bị chững lại và kết quả thực hiện giãn nộp thuế có hiệu lực đầy đủ trong tháng 4.

Việc Tổ chức Fitch Ratings điều chỉnh triển vọng của Việt Nam từ mức “Tích cực” sang mức “Ổn định” và giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB cho thấy tác động leo thang của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế Việt Nam trong các lĩnh vực xuất khẩu và du lịch, tổng cầu nội địa cũng yếu đi rất nhiều. Xếp hạng của Fitch khẳng định viễn cảnh tăng trưởng mạnh mẽ trong trung hạn của Việt Nam dựa trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, mức nợ chính phủ thấp và khu vực kinh tế đối ngoại có khả năng chống chịu, bao gồm cả dự trữ ngoại hối ở mức khá lớn.

Minh Anh