Lãi suất tăng vọt khiến người Mỹ không còn mặn mà với chuyện mua nhà

Từ đầu năm đến nay, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã 4 lần tăng lãi suất kéo chi phí vay mua nhà lên cao khiến người dân e ngại.

Quảng cáo bán nhà dọc một con đường ở Texas. Ảnh: Bloomberg

Lượng nhà tồn tăng cao, trong khi không có khách hàng mới khiến các văn phòng bất động sản phải chịu sức ép lớn về mặt doanh thu và lợi nhuận. “Các công ty xây dựng phải đạt mục tiêu và lợi nhuận. Họ không thích có hàng tồn” – nhà môi giới bất động sản Kevin Brown (Houston) cho hay.

Mới đây Fed đã quyết định tăng lãi suất thêm 0,75% và đây là lần tăng lãi suất thứ 4 trong năm nay, đưa mức lãi suất tham chiếu tại Mỹ lên mức 2,25% – 2,5% – cao nhất kể từ tháng 12/2018. Với việc tăng lãi suất liên tục, Fed mong muốn kéo chậm các hoạt động kinh tế để lạm phát được giảm từ từ.

Tuy nhiên lãi suất tham chiếu tăng kéo hàng loạt lãi suất khác cũng tăng theo (lãi suất vay mua nhà, lãi suất mua ôtô…) khiến cho người dân khó có thể mua nhà đất hoặc đầu tư. Đây cũng chính là nguyên nhân làm “tê liệt” cơn sốt nhà đất bùng nổ sau đại dịch, buộc các hãng xây dựng tại Mỹ phải linh hoạt tìm giải pháp thích ứng.

Khảo sát của Hiệp hội Các công ty Xây dựng Quốc gia Mỹ cho thấy nếu thời điểm tháng 6/2022, nguồn cung nhà mới tại Mỹ tăng lên cao nhất kể từ năm 2010 thì chỉ chưa đầy một tháng sau, lượng truy cập vào website các hãng bất động sản và văn phòng môi giới đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2012.

Lượng nhà tồn đọng tăng cao đưa thị trường địa ốc tại Mỹ đứng trước một bước ngoặt lớn. Nếu trước đây nguồn cung khan hiếm đẩy giá nhà lên mức cao kỷ lục thì ở thời điểm hiện tại, lãi suất vay mua tăng vọt kéo nguồn cung tăng theo bởi người dân không còn mặn mà với chuyện mua nhà hay đầu tư.

Dù vậy trong dài hạn, nhiều khả năng nguồn cung nhà sẽ lại rơi vào cảnh khan hiếm khi các doanh nghiệp bất động sản giảm hoạt động. “Dù trên thực tế số lượng nhà tại Mỹ không đủ song các công ty bất động sản cũng sẽ không liều lĩnh xây thêm bởi họ lo ngại khi kinh tế suy thoái, họ sẽ rơi vào cảnh điêu đứng vì không bán được nhà” – Chủ tịch Hiệp hội Các công ty Xây dựng Quốc gia Mỹ Jerry Howard cho hay.

Còn nhớ thời điểm dịch bệnh bùng phát, Boise – một thành phố nằm ở bang Idaho đã trở thành địa điểm “trốn” dịch hàng đầu tại Mỹ bởi thiên nhiên kỳ thú, không gian thoáng đãng và ít biện pháp phong tỏa chống dịch. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, lo ngại việc Fed nâng lãi suất liên tục sẽ đẩy kinh tế Mỹ rơi vào cảnh suy thoái khiến người dân không còn thiết tha với chuyện mua nhà tại đây.

Ông Corey Barton – Giám đốc Công ty CBH Homes, hãng xây dựng lớn nhất bang Idaho cho biết chỉ trong vài tháng trở lại đây họ đã mất 1/3 khách hàng mua nhà, gần gấp đôi so với hồi đầu năm. Hiện CBH Homes còn tới 200 căn nhà tồn (cao hơn nhiều so với con số 75 căn hồi cuối năm 2021) và dự báo con số này sẽ sớm tăng lên 350 căn. “Việc người dân các bang khác đổ xô đến Idaho thời điểm đại dịch đã tạo ra thị trường giả. Chúng tôi buộc phải chấp nhận rằng mọi chuyện đang dần trở nên khó khăn hơn” – ông Corey Barton nhấn mạnh

Đồng cảnh ngộ với CBH Homes, các hãng xây dựng như PulteGroup, D.R. Horton…cũng đã lên tiếng cảnh báo nhà đầu tư về việc doanh số chậm lại và nhiều người hủy mua nhà. Năm nay chỉ số theo dõi các công ty xây dựng S&P Supercomposite Homebuilding giảm tới 27%, gấp đôi mức giảm chung của thị trường.

Bà Christina Nuon – Giám đốc marketing của Công ty Bất động sản Saratoga Homes cho biết để tăng doanh số bán hàng, bà đã phải gọi điện cho rất nhiều môi giới cũng như tổ chức các sự kiện thu hút người mua. Công ty cũng dành nhiều ưu đãi hấp dẫn để thu hút người mua như hỗ trợ lãi vay thế chấp 30 năm dưới 4%… “Khi không thể hạ giá nhà thêm nữa, chúng tôi chỉ còn cách duy nhất để hỗ trợ người mua là ưu đãi lãi suất” – bà Christina Nuon chia sẻ.

Hải Anh