Kinh tế toàn cầu giảm tốc, nhiều nền kinh tế lớn đối mặt với nguy cơ suy thoái
Đặt trong bối cảnh lạm phát tăng cao và chính sách thắt chặt tiền tệ của ngân hàng Trung ương các nước, các chuyên gia của Nomura Holdings cảnh báo trong vòng một năm tới đây kinh tế toàn cầu có khả năng suy thoái trên diện rộng, kéo theo nhiều nền kinh tế lớn sẽ rơi vào khủng hoảng…
Cụ thể 2 nhà phân tích Rob Subbaraman và Si Ying Toh của Nomura Holdings đưa ra dự báo các khu vực có nguy cơ suy thoái cao gồm Eurozone, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Canada và Mỹ. Trước diễn biến giá hàng hóa leo thang, áp lực lạm phát và vĩ mô rất lớn, nỗ lực tìm kiếm giải pháp kiểm soát lạm phát có thể khiến ngân hàng Trung ương các nước này mắc sai lầm khi thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức dù đã chấp nhận hy sinh tăng trưởng. Nhiều khả năng các quốc gia này sẽ phải giảm lãi suất trở lại vào năm 2023.
Theo báo cáo của Nomura Holdings, ngày càng xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn giảm tốc trên diện rộng và dần lún sâu vào khủng hoảng. Điều này đồng nghĩa với các quốc gia không thể tăng trưởng dựa vào sự phục hồi của xuất khẩu được nữa. Do hiện nay áp lực tăng giá đã lan ra khỏi các mặt hàng thông thường nên nhiều khả năng tình trạng lạm phát cao sẽ còn kéo dài. Thậm chí các ngành dịch vụ, tiền thuê nhà và tiền lương cũng đang chìm trong cơn xoáy lạm phát.
Đáng chú ý, mức độ suy thoái của các nền kinh tế lớn trên thế giới sẽ khác nhau. Đơn cử Nomura Holdings dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ suy thoái ở mức độ trung bình nhưng diễn ra trong thời gian dài (khoảng 5 quý) và bắt đầu từ quý IV/2022. Riêng tại châu Âu, đà suy thoái có thể mạnh hơn nhiều nếu Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho khu vực này.
Các chuyên gia của Nomura Holdings dự báo năm 2023, GDP của Mỹ và các nền kinh tế Eurozone đều giảm 1%. Đối với các nền kinh tế quy mô trung bình như Australia, Canada và Hàn Quốc, suy thoái sẽ còn mạnh hơn dự báo nếu lãi suất tăng gây áp lực lên thị trường bất động sản.
Trong đó Hàn Quốc được cho là quốc gia chịu tác động mạnh nhất kể từ đầu năm 2022 với mức giảm có thể lên tới 2,2% trong quý III năm nay. Còn Nhật Bản được dự báo là quốc gia có mức suy thoái nhẹ nhất trong nhóm các nền kinh tế quy mô trung bình nhờ sự hỗ trợ chính sách liên tục và việc mở cửa kinh tế bị trì hoãn.
Không ảm đạm như Hàn Quốc, triển vọng kinh tế của Trung Quốc được dự báo lạc quan hơn rất nhiều khi nền kinh tế này đang trên đà phục hồi nhờ các vào chính sách thích ứng kịp thời. Dù vậy, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn có nguy cơ phong tỏa nếu Bắc Kinh vẫn tiếp tục chiến lược zero-Covid.
Duy Anh