Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh 9 tháng đầu năm tăng trưởng chưa đến 1%

Cục Thống kê TP.HCM cho biết kinh tế của thành phố 9 tháng đầu năm chưa lấy lại đà tăng trưởng khi chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 vì ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng cao, căng thẳng Mỹ – Trung gia tăng trên nhiều lĩnh vực trong khi giá dầu thô, giá vàng diễn biến bất thường. Tổng sản phẩm trên địa bàn 9 tháng đầu năm của TP.HCM chỉ tăng 0,77% so với cùng kỳ 2019.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng đầu năm của TP.HCM ước tăng 0,77% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông lâm thuỷ sản tăng 2,7%, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,1%, khu vực dịch vụ tăng 1,2%.

Tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước sau 9 tháng của TP.HCM ước thực hiện 245.362 tỷ đồng, đạt 60,5% dự toán và giảm 14,6% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 4,9%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 942.958 tỷ đồng, giảm 2,3%. Đặc biệt, ngành lưu trú, ăn uống giảm mạnh 39,9% và hoạt động lữ hành sụt giảm tới 73,6% vì dịch bệnh.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Khôi phục và phát triển kinh tế TP.HCM trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19”, Ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, đánh giá trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước chịu ảnh hưởng nặng vì ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng trên 62% của kinh tế TP. Dịch vụ là ngành chịu ảnh hưởng nặng nhất vì dịch Covid-19.

Giai đoạn 4 năm trước 2016-2019, kinh tế TP.HCM tăng trưởng bình quân 7,72% nhưng dự kiến chỉ tiêu này trong năm nay chỉ đạt 1,3%. Như vậy, mức tăng trưởng trung bình của TP.HCM trong giai đoạn 5 năm 2016-2020 sẽ bị kéo lùi về 6,41%.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) Chu Tiến Dũng cũng nhận định nhiều số liệu chứng tỏ tình hình khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM.

Cụ thể, hơn 84% doanh nghiệp tại TP.HCM vẫn còn trong tình trạng khó khăn. Khoảng 76% các doanh nghiệp chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ. Chỉ 10% doanh nghiệp tiếp cận được chính sách miễn, giảm lãi suất cho vay của ngân hàng. Đặc biệt, chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được gói vay vốn 0% để trả lương người lao động.

Ông Dũng cho rằng các chính sách hỗ trợ chưa thật sự sát với thực tế của cộng đồng doanh nghiệp. Các thủ tục hỗ trợ vẫn còn chậm, chưa phát huy tác dụng. Ông nhấn mạnh các gói hỗ trợ cần phải đến tay doanh nghiệp một cách nhanh nhất để thật sự hiệu quả.

Ông Trần Hoàng Ngân cũng nhấn mạnh gói hỗ trợ lần 2 cần phải được triển nhanh, đúng mục tiêu, đúng trọng tâm để hỗ trợ sớm doanh nghiệp phục hồi, đặc biệt quan tâm đến đối tượng người lao động.

Phương Thảo