Kinh tế Indonesia thu hẹp lần đầu tiên sau hai thập kỷ

Nền kinh tế Indonesia đã thu hẹp trong quý thứ hai lần đầu tiên sau hơn hai thập kỷ vì bị hạn chế bởi COVID-19, với cảnh báo rằng sự phục hồi có thể thuộc loại yếu nhất ở Đông Nam Á.

Sản lượng trong nền kinh tế lớn nhất khu vực sụt giảm 5,3 % trong quý II so với 1 năm trước.

Điều đó đánh dấu sự giảm tốc kinh tế đầu tiên của Indonesia kể từ quý đầu năm 1999 trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và đưa họ vào giai đoạn suy thoái đầu tiên kể từ đó.

Viện nghiên cứu Capital Economics nói trong lưu ý sau khi số liệu được công bố: “Hoạt động kinh tế ở Indonesia đã sụp đổ trong quý thứ II. Thất bại trong việc ngăn chặn virus một cách hiệu quả và hỗ trợ chính sách không đầy đủ có nghĩa là sự phục hồi có thể là một trong những nước chậm nhất trong khu vực”.

Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati cho biết chi tiêu tài khóa sẽ mạnh mẽ hơn trong nửa sau để tránh bị thu hẹp hơn nữa và chính phủ đang lên kế hoạch kích thích kinh tế hơn.

Indonesia đã cấp ngân sách kích thích trị giá 695,2 nghìn tỷ rupiah (48 tỷ USD) cho năm 2020 để bảo vệ nền kinh tế khỏi sự bùng phát của dịch bệnh, bao gồm các khoản vay trợ cấp cho các doanh nghiệp nhỏ và hỗ trợ tiền mặt cho các gia đình có thu nhập thấp.

Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy chi tiêu chính phủ giảm 6,9 % hàng năm trong quý thứ II.

Wisnu Wardana, một nhà phân tích tại Bank Danamon, cũng cho rằng chính phủ nên đưa ra thêm nhiều gói kích thích kinh tế hơn nữa vì “chính sách tiền tệ đã được kéo dài”.

Ngân hàng trung ương của Indonesia đã cắt giảm lãi suất cơ bản bốn lần trong năm nay bằng tổng số 100 điểm cơ bản xuống mức thấp nhất kể từ ít nhất là năm 2016, khi nước này áp dụng tỷ lệ này làm chuẩn.

Ngân hàng Indonesia và chính phủ cũng đã tiết lộ đầu tháng này một kế hoạch huy động 40 tỷ USD, với việc ngân hàng trung ương cam kết mua 28 tỷ USD trái phiếu trong khi xóa bỏ các khoản thanh toán lãi.

Tiêu dùng hộ gia đình, chiếm khoảng một nửa GDP của đất nước, giảm 5,5% trong quý hai so với năm ngoái, trong khi đầu tư giảm 8,31%. Xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt giảm 11,7% và 16,9% trong giai đoạn đó.

Các chính phủ trên khắp thế giới đã phải vật lộn để ngăn chặn căn bệnh chết người COVID-19, về cơ bản buộc các chính phủ phải đóng cửa nền kinh tế toàn cầu trong quý II.

Indonesia, nơi có gần 270 triệu người, đã nới lỏng các hạn chế di chuyển trong nỗ lực chống lại sự sụp đổ kinh tế nhưng các ca mắc COVID-19 đang gia tăng, với 115.000 camắc và hơn 5.300 người chết.

Quy mô thực sự của cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng được cho là lớn hơn nhiều ở một quốc gia có tỷ lệ xét nghiệm thấp nhất thế giới.

Hương Giang