Kinh doanh thời khủng khoảng kinh tế Covid-19
Theo các chuyên gia, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 và xa hơn phụ thuộc vào khả năng khống chế dịch bệnh Covid-19 không chỉ trong nước mà còn ở phạm vi toàn cầu. Ngoài ra triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế còn phụ thuộc vào năng lực kinh doanh của doanh nghiệp thời Covid-19….
Thành công phải đi liền với quản lý dòng tiền
Theo kết quả báo cáo đánh giá tác động của Covid – 19 đến nền kinh tế của các cơ quan quản lý Nhà nước, đến thời điểm hiện tại tác động của đại dịch này đến khu vực doanh nghiệp đã bắt đầu bộc lộ một cách rõ ràng trong tất cả các ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp lẫn gián tiếp. Cụ thể có đến 93,9% các doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát cho biết dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của họ. Để đối phó với những khó khăn do tác động của đại dịch, 65,5% doanh nghiệp buộc phải thực hiện cắt giảm chi phí hoạt động thường xuyên; 35,3% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động; 34% phải cắt giảm lương nhân công lao động; 34,5% doanh nghiệp đã phải cho lao động nghỉ việc không lương. Ngoài ra có 44,7% doanh nghiệp cắt giảm quy mô sản xuất kinh doanh; 34,7% các doanh nghiệp lựa chọn tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh để chờ qua thời kỳ khó khăn và 15,1% doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi hình thức sản xuất kinh doanh cho phù hợp với bối cảnh mới.
Qua đó có thể thấy trong môi trường sản xuất kinh doanh của cơ chế thị trường có nhiều rủi ro, nhất là trong thời kỳ khủng khoảng Covid-19 thì vấn đề phải thích nghi, quản lý dòng tiền linh hoạt cũng như hạn chế các rủi ro đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Để có thể bù đắp khoản doanh thu bị mất do sự bùng phát của dịch Covid – 19, nhiều doanh nghiệp chọn cách thay đổi phương thức kinh doanh. Những điều chỉnh như vậy liên quan đến việc xem xét lại toàn bộ mô hình kinh doanh và lên kế hoạch chi tiết, bao gồm các khía cạnh chính của việc điều hành một công ty – với những thay đổi đáng kể cả về mặt nhân sự, công nghệ lẫn chuỗi cung ứng. Nếu như với một số doanh nghiệp, đây là vấn đề sống còn thì đối với một bộ phận doanh nghiệp khác, đây lại là một “điểm sáng” giữa cuộc khủng hoảng.
Các mô hình kinh doanh có thể sẽ trải qua những thay đổi đáng kể trong những tháng tới do thiệt hại của nền kinh tế từ sự bùng phát Covid – 19. Bên cạnh đó là những điều không chắc chắn về nhu cầu thị trường và khi nào các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế kinh doanh hoàn toàn được dỡ bỏ. Tuy nhiên có một điều thú vị là những thay đổi mang đến thành công cho một số doanh nghiệp lại đến từ sự may mắn thay vì khủng hoảng, và nhờ họ đã đi trước một bước trong việc ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 và nền kinh tế số. Tuy nhiên thành công vẫn phải luôn đi liền với quản lý dòng tiền.
Các nguyên tắc quản lý dòng tiền hiệu quả thời khủng hoảng
Do tầm quan trọng của dòng tiền trong những thời điểm khủng khoảng kinh tế, các doanh nghiệp nên xây dựng kế hoạch ngân quỹ để quản lý tiền mặt như một phần của kế hoạch kinh doanh và quản lý rủi ro đột biến nhằm đảm bảo tài chính của mình vẫn khả thi. Thực hiện kế hoạch kịch bản để hiểu rõ hơn bạn sẽ cần bao nhiêu tiền mặt và trong bao lâu.
Đầu tiên cần tập trung vào quản lý vòng quay tiền mặt trong điều kiện kinh doanh bất thường hiện nay và chuyển trọng tâm từ báo cáo thu nhập sang bảng cân đối. Trong thời gian này cũng cần giảm thiểu yêu cầu vốn lưu động và điều quan trọng là áp dụng phương pháp phối hợp giải quyết cả ba yếu tố của chuỗi cung ứng bao gồm: khoản vốn lưu động phải trả, các khoản phải thu và hàng tồn kho. Thêm vào đó cần tập trung rà soát chi phí biến đổi của doanh nghiệp, chuyển chi phí cố định sang chi phí biến đổi (nếu có thể); đồng thời xem xét thật kỹ lưỡng kế hoạch đầu tư vốn trong thời gian tới để xác định: Những khoản đầu tư vốn có thể hoãn lại cho đến khi tình hình được cải thiện? Những khoản đầu tư vốn cần được xem xét lại? Những khoản đầu tư vốn được yêu cầu để định vị cho sự phục hồi và tạo ra lợi thế cạnh tranh?
Ngoài ra doanh nghiệp cũng cần có chiến lược tạo ra các dòng doanh thu mới thay thế hoặc phi truyền thống. Nếu kế hoạch kịch bản của doanh nghiệp đang cho thấy áp lực đối với các nguồn doanh thu truyền thống, hãy xem xét đến cách có thể tạm thời hoặc thậm chí thay thế vĩnh viễn doanh thu đó. Ví dụ: nếu thị trường chính của doanh nghiệp là quốc tế, làm thế nào bạn có thể xoay vòng sang thị trường nội địa…
Cuối cùng doanh nghiệp cần lựa chọn cho mình một sản phẩm bảo hiểm rủi ro kinh doanh giúp có thể giúp doanh nghiệp của bạn vượt qua khó khăn trong trường hợp kinh doanh bị gián đoạn, ngừng trệ. Trong nền kinh tế thị trường đầy rủi ro với những yếu tố khó đoán định trước, doanh nghiệp nên có chính sách bảo hiểm kinh doanh hiện tại và phạm vi bảo hiểm trong trường hợp gián đoạn kinh doanh nghiêm trọng. Bảo hiểm như vậy thường bao gồm các tổn thất phát sinh từ sự gián đoạn đối với khách hàng hoặc nhà cung cấp của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng cần đàm phán với đối tác dịch vụ bảo hiểm để phạm vi bảo hiểm đã bao gồm các tổn thất phát sinh từ dịch bệnh và đại dịch
Có thể thấy sản xuất – kinh doanh là quá trình thích nghi và nỗ lực phấn đấu không ngừng. Trong quá trình đó có cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro thách thức khó dự đoán được như Covid – 19. Để vượt qua khó khăn đòi hỏi doanh nghiệp phải thích nghi linh hoạt và tìm ra cách kinh doanh phù hợp; đồng thời phải tìm cách quản lý dòng tiền hiệu quả trong tổng thể kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình.
Thái Công