Kiên quyết không để Covid – 19 quay lại gắn với tiến công mạnh mẽ để phát triển kinh tế, phục hồi tăng trưởng

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương đánh giá tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đến nay Việt Nam đã đẩy lùi và kiểm soát tốt đại dịch Covid -19; các hoạt động của đời sống xã hội đang nhanh chóng thiết lập trạng thái bình thường mới, tạo tiền đề quan trọng để phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Kết quả này là thành công lớn, quan trọng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, được các quốc gia và tổ chức quốc tế đánh giá cao, đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trong phòng, chống đại dịch. Một tinh thần chỉ đạo kiên quyết là không để dịch Covid-19 quay lại nước ta nhưng đồng thời phải tiến công mạnh mẽ để phát triển kinh tế, phục hồi tăng trưởng.

Theo người đứng đầu Chính phủ, cỗ máy tăng trưởng của Việt Nam ví như “cỗ xe tam mã”, gồm 3 cấu phần quan trọng nhất gồm: đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Điều quan trọng nhất lúc này là cần phải thúc đẩy “cỗ xe tam mã” để phát triển kinh tế đất nước, đạt đến mục tiêu tăng trưởng cao nhất. Đáng chú ý trong “cỗ xe tam mã” này có hai nội dung liên quan trực tiếp đến ngành Công Thương là xuất khẩu và tiêu dùng.

“Trong điều kiện thị trường quốc tế bị thu hẹp, nhu cầu nội địa giảm, chúng ta phải có các biện pháp căn cơ, cụ thể để mở rộng thị trường quốc tế, thúc đẩy thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng nội địa. Điều mà tôi trăn trở nhất là làm sao để thị trường nội địa phát triển mạnh mẽ hơn nữa, phải đóng vai trò chính trong giai đoạn xuất khẩu đang bị gián đoạn bởi dịch bệnh” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Phân tích sâu hơn về thị trường nội địa trong vai trò dư địa cho tăng trưởng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nêu bật thông tin đáng phấn khởi là tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ cải thiện rất đáng kể. Nếu như tháng 4 giảm sâu tới 20,5% thì đến tháng 5 đạt mức tăng 31,8 % và tháng 6 là tăng 6,1%. Đặc biệt, khu vực bán lẻ tháng 6 tăng 4,1% so với tháng trước và 9,4% so với cùng kỳ năm 2019. “Đúng như quan điểm của Thủ tướng trong phát biểu khai mạc Hội nghị, cần phải tăng cường nội nhu để tạo thêm động lực cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Đặc biệt các trung tâm kinh tế lớn của đất nước như Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Tp.HCM đều có mức tăng trưởng dương ở 2 con số. Chính vì vậy khi đề ra các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cần có sự tính toán, lựa chọn để các trung tâm kinh tế lớn này phát huy được vai trò hạt nhân, tạo động lực lan tỏa trong cả nước.

Liên quan đến vấn đề tăng cường nội nhu, người đứng đầu Bộ Công Thương cho biết bắt đầu từ ngày 1/7, chương trình kích cầu trong nước đã chính thức khởi động với việc không hạn chế trong khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp tiếp cận thị trường trong nước.

Tới đây, Bộ Công Thương sẽ cùng các Bộ, ngành phối hợp để đưa ra các giải pháp đồng bộ liên quan đến kích cầu, nhất là có đề án kích cầu cụ thể tại các địa phương, các trung tâm kinh tế lớn để đẩy nội nhu lên thành đóng góp cho tăng trưởng.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, để thúc đẩy “cỗ xe tam mã” tiến vọt về phía trước như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cần đặc biệt chú trọng đến các thách thức đối với phát triển kinh tế – xã hội không chỉ 6 tháng cuối năm 2020 mà còn cả trong thời gian tới.

Cụ thể có khả năng dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, làn sóng Covid lần thứ 2 tại thị trường Mỹ và EU đã cho thấy nguy cơ này và vì vậy cần phải hết sức cẩn trọng; việc đề ra các giải pháp mở cửa và đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường mới cần phải dựa trên bảo đảm phòng chống dịch bệnh an toàn. Thêm vào đó một số thị trường vẫn còn diễn biến phức tạp do câu chuyện của bảo hộ mậu dịch cũng gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong tiếp cận thị trường.

Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương sẽ bảo đảm xử lý tốt, xử lý cho được các tồn đọng với các thị trường trọng điểm. Cụ thể với thị trường Hoa Kỳ, Bộ tập trung xử lý các tồn tại về thương mại, dịch vụ, thương mại hàng hóa; đồng thời đẩy nhanh việc mở cửa thị trường Trung Quốc với một số sản phẩm, nhất là nông sản.

Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ NN&PTNT và các địa phương của Trung Quốc tạo điều kiện cho thông quan hàng hóa, nhất là nông sản, trái cây; đồng thời xử lý tốt câu chuyện đấu tranh chống gian lận xuất xứ. Đây cũng chính là nội dung trọng tâm trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn thời gian tới, nhất là các văn bản liên quan đến Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2020.

Thanh Trúc